Đặc biệt lần này, lễ cầu siêu với sự tham gia của đại diện các tôn giáo lớn tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn và suốt dọc hành trình tưởng nhớ vong linh các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam... và những người lính Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống trong những cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng như tưởng niệm hương hồn các thuyền nhân “để linh hồn họ siêu thoát trên vùng biển quê nhà”.
Một dấu ấn đặc biệt nữa, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đó là đã mời cả những nhân vật “cực đoan chống đối” người Việt ở nước ngoài về tham dự chuyến tàu đặc biệt này. Họ sẽ trực tiếp chứng kiến để có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về quyết tâm đấu tranh bảo vệ gìn giữ lãnh thổ, biển đảo của chúng ta.
“Hố sâu hận thù sẽ ngăn cách mãi nếu không có những giải pháp đột phá, những người tiên phong dám ngồi lại với nhau, không có những cầu nối chân thành”. Để thể hiện điều đó, trong suốt hơn hai tuần của tháng 3 vừa rồi, đoàn công tác liên ngành của Chính phủ đã sang Mỹ, Canada, Hàn Quốc… để cùng “ngồi lại” gặp gỡ, tiếp xúc với những nhân vật nổi tiếng “cực đoan, hận thù chống đối” ấy.
Quan điểm là không cần họ phải “tô son điểm phấn” thêm cho tình hình đất nước, mà có thế nào cứ nói như vậy, nói đúng sự thật chứ không bóp méo, xuyên tạc… “Khi họ nhìn nhận vấn đề một cách trung thực thì tôi cho rằng, ngày hòa giải dân tộc sẽ không còn lâu” – Thứ trưởng Sơn tin tưởng.
Hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người sau chiến tranh luôn là nỗi niềm canh cánh với mỗi gia đình, mỗi lòng người suốt ngót bốn chục năm qua. Nỗi niềm như câu nói nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cách đây gần 10 năm “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn”.
“Hố sâu” ngăn cách ấy nay ngày càng được thu hẹp, từ sự chân thành cởi mở và hiểu biết từ hai phía. Hai chuyến thăm Trường Sa các năm 2012-2013 đã giúp nhiều bà con kiều bào, trong đó có những cây bút người Việt tại Mỹ hiểu hơn về công cuộc gìn giữ chủ quyền biển đảo cũng như thực tế đất nước.
Nay những người lính hai bên cùng hy sinh thân mình để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa đã không còn được coi là hai bên chiến tuyến. Hoàng Sa, Trường Sa hiện cũng đang là mối quan tâm chung hàng đầu của mọi người dân Việt bất cứ nơi đâu, cho dù còn những vấn đề nào khác chưa cùng chính kiến.
Chuyến tàu hòa hợp sẽ đưa những con dân Việt xa Tổ quốc về thăm mảnh đất đặc biệt của quê hương giữa biển khơi, nơi cho đến nay vẫn còn rất ít người dân trong nước có điều kiện đặt chân đến. Hy vọng sẽ còn thật nhiều những chuyến tàu hòa hợp nữa, trên đó mọi người cùng nhìn về một hướng, cùng chung tay vì một Việt Nam ổn định, mạnh giàu.