Đình Nhân Hậu trước đây vốn tọa lạc ở khu vực trung tâm của làng thuộc xóm Nhân Hậu, xã Hùng Tiến. Giữa những năm 1980 của thế kỷ XX, đình được chuyển về chợ Cồn Bụt làm đình chợ, xóm Trung Cửu, ven Quốc lộ 46 C. Khi chợ Cồn Bụt mới được xây dựng (cách chợ cũ khoảng 150 m) thì khu vực chợ cũ có đình Nhân Hậu bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. |
Đình được thiết kế theo kiểu tứ trụ, giá chiêng kẻ chuyền, 3 gian, 2 hồi, các vì nhà trụ trên 24 cột lim. Theo các vị cao niên, trong kháng chiến chống Pháp, đình từng là trường học, nhiều thế hệ giáo viên, học sinh đã trưởng thành từ mái trường này. |
Ông Hồ Văn Lâm (nhà ở cạnh đình Nhân Hậu) chia sẻ: “Qua thời gian, mưa nắng, gió bão, nay ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Gần nửa thế kỷ sử dụng đình chợ, làm nơi buôn bán của người dân địa phương, ngôi đình chỉ được lợp thêm những tấm bạt, tấm nilon, nay cũng đã rách tả tơi. Nhìn ngôi đình cổ hư hỏng nặng nề, có thể sập đổ trong nay mai, ai nấy đều rất đau lòng. Dù đã quá muộn, dân làng vẫn mong đình được tu sửa”. |
Năm 2018, ông Lâm và một số người trong xóm làm đơn xin xã cho di chuyển đình về chỗ cũ (xóm Nhân Hậu), nhưng xã không cho. Khi đó đình đã xuống cấp, nhưng các mái ngói vẫn còn nguyên, phần gỗ chưa đổ nát như bây giờ, nếu di dời tu sửa cũng đỡ tốn kém. |
Từ ngoài nhìn vào, ngôi đình xiêu vẹo, hoang tàn và gần như đổ nát. Trên những cột, vì kèo, bức cốn hiện còn lưu lại những bức chạm khắc nghệ thuật truyền thống tinh xảo, phần nào cho biết niên đại ra đời của ngôi đình. |
Trên tấm ván thưng vì hồi của đình có khắc chữ Hán. |
Giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của ngôi đình cổ vẫn hiện hữu nhưng trong suốt một thời gian dài, không ai trông nom, bảo vệ và phát huy giá trị. |
Ngôi đình từng được trưng dụng làm nơi họp chợ. |
Ông Nguyễn Văn Ất, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến cho biết: “Là chứng tích của một vùng quê có bề dày lịch sử, lưu dấu những kỷ niệm, ký ức của bao thế hệ người dân làng Nhân Hậu, nhưng nay ngôi đình cổ đang dần đổ nát, khiến nhiều người tiếc nuối. Kinh phí để trùng tu quá lớn, ngân sách cấp xã không đáp ứng nổi nên lực bất tòng tâm. Xã cũng đã tính đến phương án dỡ đình để bảo quản, nhưng nếu dỡ ra, xếp vào kho có thể làm đình hư hỏng hơn. Phương án đáng tiếc nhất, nếu không giữ được hiện trạng như hiện nay, đình cổ sẽ bị đưa ra khỏi danh mục kiểm kê di tích”. |