Sau khi cởi giày bên ngoài, ông Kerry đi quanh ngôi đền cùng với lãnh tụ Hồi giáo Kyai al-Hajj Ali Mustafa Yaqub. Ngoại trưởng Mỹ mô tả đây là một nơi "cực kỳ đặc biệt" và nói với các phóng viên Indonesia: "Tôi rất vinh dự được ở đây và tôi cảm ơn lãnh tụ Hồi giáo đã mời tôi đến thăm".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) cùng lãnh tụ Hồi giáo Indonesia tại đền Istiqlal hôm nay. Ảnh: Reuters
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rất vất vả trong việc hàn gắn mối quan hệ với thế giới Hồi giáo vốn bị xấu đi từ năm 2003 sau cuộc chiến tại Iraq.
Mỹ và các nước phương Tây thường nhắc đến Indonesia là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới và là cầu nối với thế giới Hồi giáo. Tổng thống Obama, người có thời thơ ấu gắn với Indonesia, cũng từng tới thăm ngôi đền này năm 2010.
Trong sổ lưu bút của đền thờ, ông Kerry viết: "Thật là một vinh dự lớn khi được tới thăm nơi thờ phụng đặc biệt này. Không gian và ánh sáng tuyệt vời ở đây cùng với mái vòm đặc biệt là cách hoàn hảo để đón chào các tín đồ".
"Chúng ta đều gắn kết với nhau bởi cùng một vị chúa trời, gắn kết với nhau bởi tình yêu thương đồng loại. Cầu nguyện hòa bình cho các bạn", ngoại trưởng Mỹ viết.
Đền thờ Istiqlal đi vào hoạt động từ năm 1961 dưới thời nhà lãnh đạo Sukarno, sau 17 năm xây dựng. 12 cột lớn của ngôi đền chống đỡ mái vòm màu xanh. Vào tháng ăn chay Ramadan, đây là nơi cầu nguyện lớn với sức chứa 130.000 tín đồ.
90% trong tổng số dân 250 triệu người Indonesia theo đạo Hồi và phần lớn theo trường phái ôn hòa.
Ngoại trưởng Kerry bắt đầu chuyến công du châu Á từ ngày 13/2. Ông dừng chân ở các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia. Tại Jakarta, ngoại trưởng Mỹ sẽ đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp trong khuôn khổ Hợp tác Toàn diện Mỹ - Indonesia và gặp Tổng thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh.
Theo Vũ Hà