Nghĩa đồng bào, lúc này…

Nghĩa đồng bào, lúc này…
TP - Có lẽ không từ ngữ nào có thể diễn đạt những hậu quả mà thiên tai giáng xuống dải đất miền Trung liên tiếp gần một tháng qua. Mọi kỷ lục hàng trăm năm qua về mức độ thịnh nộ, gầm thét, tàn phá của thiên nhiên đã bị phá vỡ. Ngành khí tượng thủy văn chỉ có thể gọi bằng cái tên mới “Hình thái tổ hợp đa thiên tai”. 

Tại lễ tang 13 liệt sĩ hy sinh trong trận lở núi ở Rào Trăng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phải thốt lên, rằng “chưa bao giờ chúng ta cùng lúc mất hai tướng, nhiều sĩ quan cấp cao trong quân đội, lãnh đạo chính quyền địa phương, nhà báo trong thiên tai…”.

Có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến những đêm dài thăm thẳm miền Trung như vừa qua. Giữa tối tăm mịt mùng mưa gió, trên đỉnh lũ lạnh cắt nước dâng cuồn cuộn, qua điện thoại và mạng xã hội vọng lên ngàn vạn lời kêu cứu. Người này, nhà này, làng này ai đó còn sống đều khẩn khoản kêu gọi cứu nạn giúp người kia, nhà kia; làng kia đang chới với bám trên những nóc nhà nước lũ đã chạm chân…  

Với thiên nhiên, khí hậu hiện nay, không thể biết trước được điều gì. Sau suốt 9, 10 tháng trời cắt không một giọt mưa, ruộng đồng, con người khô cháy, thì giờ đây bao nhiêu nước tích tụ trên trời đổ ập xuống một lúc!

Không thể biết trước được điều gì. Đúng vậy, chúng ta ngày càng ngộ ra điều đó. Cả những vị tướng dạn dày trận mạc, bão lũ. Cả những người lính tinh nhuệ, đến những dân lành miền Trung đã sống và chiến đấu để tồn tại qua ngàn trận bão lụt, với cả đời kinh nghiệm, cũng không thể lường trước được điều gì. Những cái chết tức tưởi mà trời đất cuồng nộ giáng xuống, con người nhỏ bé không thể biết trước được điều gì.

 Suốt đêm dài thăm thẳm miền Trung, đáp lại lời kêu cứu của những đồng bào chới với nơi đỉnh lũ, là hàng ngàn địa chỉ, số điện thoại, đường dây nóng được thông báo, chia sẻ suốt đêm. Những nhóm tình nguyện ngay giữa đêm tối liều mình vượt lũ đến từng điểm nóng để cứu vớt đồng bào mình. “Hàng cứu trợ” giữa đêm tối giải nguy, cứu vớt nhau là những chiếc xuồng, chiếc ghe, cano,  chiếc áo phao, cho đến cả thùng xốp, bè chuối,…

Một “thế trận quân-dân” đặc biệt hiếm thấy trong cứu nạn, cứu trợ đã và đang diễn ra như vậy. Những người lính lao vào điểm nóng, chấp nhận hy sinh để cứu dân. Người dân cũng không quản ngại xông pha để cứu nhau qua cơn hiểm nạn. Ở những điểm còn cao ráo, an toàn, “hàng cứu trợ” khẩn cấp là những phòng nghỉ, hàng quán, khách sạn,…để đón bà con vừa thoát khỏi vùng lũ có chỗ trú thân, sưởi ấm.

Tất nhiên sau tất cả những bi kịch này, đến lúc trấn tĩnh lại, chúng ta rồi sẽ phải nhận ra về bản chất thân phận của chính mình. Rằng những thảm nạn này đến từ đâu? Không khó để có câu trả lời.

Nhưng giờ đây, điều mà mỗi lương dân Việt đều biết rõ, như đã từng suốt ngàn đời nay, đó là biết rằng tấm lòng mình, tâm nguyện mình, tài sản và sức lực của mình có bao nhiêu, đủ rộng bao nhiêu, để chia sẻ, để đùm bọc lấy đồng bào mình. Ngay lúc này…

MỚI - NÓNG