Cuộc tiễn đưa trên đỉnh lũ

TP - Sáng nay Chủ nhật ngày 18/10, một lễ viếng và truy điệu tập thể diễn ra giữa mịt mù mưa lũ xứ Huế.

Là cuộc tiễn đưa đau đớn, nghẹn ngào 13 liệt sĩ hy sinh trên đường cứu hộ những công nhân gặp nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 cách đây một tuần. Mọi đường phố Huế đều đang chìm sâu trong nước. Nhân dân đến viếng và đưa tiễn các anh linh nhiều người phải di chuyển trên phố bằng thuyền…

Hôm qua, đoạn clip cuối cùng về các anh tìm thấy trong chiếc điện thoại của một nhà báo bị vùi lấp tại hiện trường vụ lở núi khiến cả nước một lần nữa nghẹn lòng. Hình ảnh cuối cùng của đoạn clip là cảnh những vị tướng, những người lính, lãnh đạo chính quyền, và cả nhà báo ngồi sát bên nhau nơi đống lửa đốt vội giữa khuya khoắt núi rừng. Họ vừa cố gắng hong khô quần áo, vừa bàn về nhiệm vụ tiếp theo của ngày mai, đó là gấp rút tiếp cận với những công nhân thủy điện người sống, người chết đang bặt vô âm tín nơi rừng sâu trong kia.   

Cảnh Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 ngồi trầm ngâm bên ngọn lửa chập chờn. Và câu nói cuối cùng của ông chúng ta còn nghe thấy. Đó là “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm”…  

Mưa lũ vẫn đang thịnh nộ giết hại dân lành. Mới tối qua, cả một gia đình 6 người ở thôn Tà Rùng (xã Húc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) bị núi lở vùi chết. Buổi sáng cùng ngày, cũng ngay tại thôn này, nước lũ đẩy sập tường một gia đình khác làm chết 2 cháu nhỏ, người mẹ bị thương nặng.

Hàng nghìn người lính, lực lượng cứu hộ đang căng mình khắp mọi điểm nóng cứu dân. Liên tục như vậy đã mấy tuần qua. Hàng trăm đoàn thiện nguyện cả nước bất chấp sống chết trên đỉnh lũ, đang bơi thuyền tỏa khắp vùng lũ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ, tiếp sức đồng bào mình cầm cự giữa gió mưa trên những mái nhà.

Vậy mà nhiều người còn ngồi trên mạng vạch vòi phân tích “lỗi phải” của những người lính đã hy sinh, với sự tỉnh táo đến lạnh người. Bài học nào cũng sẽ đều được rút ra, dù là chiến thắng hay thất bại. Đó là nguyên lý bất di bất dịch đã được minh chứng qua lịch sử đấu tranh nước nhà. Còn ngay lúc này không ai cần đến sự “dạy dỗ”, mà là những bàn tay chìa ra với đồng bào.

Hơn 4 năm trước, 9 người lính tài ba trên chiếc máy bay cứu hộ CASA 212 số hiệu 8983 vĩnh viễn nằm lại lòng biển khơi Bạch Long Vỹ, trong chuyến bay quả cảm vượt đầu sóng dữ kiếm tìm đồng đội. Người đồng đội ấy là Thượng tá phi công Trần Quang Khải, hy sinh khi luyện tập chiến đấu trên biển với chiếc Su-30 KM2.

Ngược về trước đó chừng 2 năm, 18 người lính đã ngã xuống ngay trên mảnh đất thủ đô khi đang huấn luyện trên một chiếc trực thăng...

Sự hy sinh của những liệt sĩ giữa thời bình thật bi tráng, bởi giữa bao kẻ “khôn ngoan” tìm nơi êm ấm, thì họ lại lao về phía hiểm nguy nhất.

“Nếu có một phép màu/ Nếu được quyền ước mơ/ Bạn sẽ ước gì cho những ngày sắp tới?/ Tôi chỉ ước sao những người thật giỏi/ Luôn có thể trở về cười nói cùng ta…”. Những câu thơ xúc động của một cô giáo gửi tới những người lính trên chiếc CASA 212 ngày ấy, xin được nhắc lại, hôm nay. Gửi tới những vị tướng, những người lính, những công bộc thật sự của dân đã ngã xuống nơi rừng núi Rào Trăng, trên đường cứu dân.

Tôi biết, những con người tốt đẹp và tài giỏi ấy, vẫn sẽ luôn “trở về cười nói cùng ta”.

MỚI - NÓNG