Nghĩ về những quyết định kiểu... 'chữa cháy'

Nghĩ về những quyết định kiểu... 'chữa cháy'
TPO - Ngồi trong "phòng máy lạnh", các tác giả soạn thảo những quyết định này có thể chưa hiểu thấu đáo rằng những lệnh ấy liên quan đến miếng cơm manh áo của hàng triệu người nghèo. Tôi đang nghĩ về những quyết định gần đây theo kiểu “chữa cháy”.

>> Văn minh, thanh lịch và cơm áo, gạo tiền

Nghĩ về những quyết định kiểu... 'chữa cháy' ảnh 1
Việc quản lý bán hàng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được giãn thời gian thực hiện, ít nhất cho đến ngày 20/2. Ảnh: Hồng Vĩnh

Ví như cấm bán hàng rong, cấm xe ba bánh tự chế, thu phí xe lưu thông từ ngoại thành vào nội thành, cấm đăng ký xe máy, tăng học phí... và hàng chục các quyết định khác kiểu này. 

Rất lạ, nhiều qui định, dự thảo được tung ra, nếu dư luận lên tiếng quá lại vội vàng rút lại hoặc tìm cách lùi vô thời hạn. Theo một nghĩa nào đó, những quyết định này được đưa ra mang tính “chữa cháy” và rút lại cũng theo cách…“chữa cháy”. Phải chăng chúng ta giỏi “chữa cháy” hơn là “phòng cháy” ? 

Đất nước kêu gọi mọi người hãy chăm chỉ lao động, dù là quét rác, làm việc trong nhà máy hay nghiên cứu khoa học để mong dân tộc thoát nghèo. Trên tivi hay báo chí ra sức ca ngợi những doanh nhân giỏi thời nay.

Những người nông dân nghèo bỏ quê lên thành phố sắm cái xe đạp, mua vài nải chuối, cây mía hay giỏ cam để ra Hà nội bán rong. Họ là những người cần cù chịu khó, đang đóng góp cho xã hội và cũng là một kiểu doanh nhân - nông dân “ít vốn”. Song nếu tính tổng thu nhập của tất cả những người bán hàng rong trên cả nước có lẽ cũng ngang ngửa với một ngành nghề kinh doanh lớn chứ chả chơi.

Chút tiền lời còm cõi của gánh hàng nặng trĩu rong ruổi suốt ngày khắp hang cùng ngõ hẻm chốn đô thành chắc hẳn còn thua xa giá trị một cái phong bì mỗi lần họp hành hay hội thảo này nọ... 

Rồi một hôm, các vị đi xe hơi thấy tắc đường, phố phường bị rác vứt bừa bãi do dân bán hàng rong thải ra, thế là quyết định cấm bán hàng rong. Cuộc sống mưu sinh của hàng chục ngàn “doanh nhân – nông dân”, được định đoạt từ một quyết định “chữa cháy” kiểu này. 

Hãng Honda được phép sản xuất xe máy tại Việt nam. Cả đất nước hồ hởi đợi cưỡi xe Dream với giá rẻ vì sản xuất trong nước. Nhưng khi chiếc xe đầu xuất xưởng thì giá ở trên trời, không nông dân nào mua được. Người Trung quốc không được dùng xe máy nhưng lại biết sản xuất ra loại xe na ná Dream cho dân Việt nam mỏng túi tiền, giá bằng 1/5 Dream Vietnam, chất lượng hơi nghi ngờ nhưng chạy tốt chán. Thế là nông dân như bố tôi, quanh đời bán lưng cho trời cũng mua được một chiếc xe có động cơ để vi vu... 

Nhà nước cho nhập xe Tầu đàng hoàng, cho đăng ký và ai muốn mua bao nhiêu cũng được. Không thấy có qui định nào bắt mỗi người chỉ được một xe. Đùng một cái, thấy xe máy quá nhiều, tắc đường triền miên, tai nạn giao thông thảm khốc, nên ra quyết định “ngừng đăng ký xe máy” hay “mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy”. Họ định “chữa cháy” cho nạn tắc đường bằng cách cấm xe máy. Hỡi ôi, có người tìm ra lệnh trên là vi hiến, thế là lại “tạm hoãn”.

Bản thân tôi thấy việc bán hàng rong làm mất mỹ quan thành phố là nên cấm. Thành phố kẹt xe kinh hồn nên hạn chế xe máy. Những chiếc xe công nông hay ba bánh tự chế chở hàng cồng kềnh  nên cấm lưu hành. Chất lượng giáo dục kém, trường lớp xuống cấp, lương giáo viên không đủ sống nên tăng học phí.

Chỉ có điều, tất cả những quyết định trên là đúng nhưng nếu nó được thảo ra cách đây 10-15 năm khi trên phố còn ít xe máy, vài chiếc công nông hay đôi ba gánh hàng rong... Vì nếu biết sớm như thế những người nghèo sẽ tìm kế sinh nhai khác.

Nhưng lại đợi đến khi cả triệu người dùng xe máy, xe ba gác hay gánh hàng rong làm kế mưu sinh và khi thấy vượt ra khỏi tầm kiểm soát thì vội ra lệnh “cấm”. Đó là những quyết định chưa tính kỹ, chưa thấu hiểu đến cuộc sống mưu sinh, đến số phận của hàng chục vạn người.

Là những người lãnh đạo, hưởng lương và đi xe hơi của dân chúng đóng thuế, các vị nên nghĩ xa xa một chút. Để cho thành phố hay đất nước phát triển thì nên có kế hoạch cụ thể cho 5-10 năm. 

Nếu quí vị cho nhập xe máy thì nên phỏng đoán chuyện gì sẽ xảy ra 5 năm sau để liệu mà xây thêm đường, mở rộng thành phố, phát triển giao thông công cộng giúp người dân có một thêm lựa chọn để nên mua xe hay không. Nếu cấm xe máy thì dân đi bằng gì chứ ? Với mức thu nhập bình quân cả nước chưa tới 1000 USD/ đầu người, liệu có thể mở thêm thật nhiều các siêu thị để triệt tiêu hàng rong được chăng ? 

Lập kế hoạch cho một thành phố phát triển phải có từ trước đó 10-20 năm chứ không phải nhờ các quyết định mang tính tình thế. Các nước phát triển người ta còn tính rất kỹ thành phố 1 triệu dân thì cần bao nhiêu mét vuông công viên, bao nhiêu nhà trẻ, trường học, bệnh viện, số lượng cảnh sát và dự định cả số phòng giam trong nhà tù.

Chúng ta đang tiến vào thời đại toàn cầu hóa, hy vọng những cách thức quản lý xã hội theo kiểu “chữa cháy” sai đâu sửa đấy sẽ ngày càng một ít đi, mà thay vào đó là những hoạch định, những chính sách có tầm nhìn xa trông rộng, đưa đất nước chúng ta phát triển một cách bền vững, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG