Nghị quyết 'khoán 10'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tính đến mốc năm 2045, Việt Nam chỉ còn 20 năm nữa để hiện thực mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, bình quân đầu người khoảng 15.000 USD.

Thời gian không còn dài, vậy “chìa khóa vàng”, “yếu tố sống còn” để hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của đất nước là gì?

Gần 40 năm trước, trong bối cảnh thiếu ăn và từ thực tiễn hiệu quả của “khoán chui”, Bộ Chính trị đã quyết định ban hành Nghị quyết “khoán 10” về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp… Chỉ một năm sau, không chỉ “thóc lúa đầy bồ”, Việt Nam còn xuất khẩu 1,2 triệu tấn lúa gạo…

Và nay, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đang được các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng như là “khoán 10” để Việt Nam bứt phá, vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thực tiễn bài học phát triển trên thế giới cho thấy, khoa học và công nghệ chính là động lực then chốt tạo ra sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nhiều nước. Các bài học thành công từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức, hay gần đây là Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore đã chứng minh vai trò của khoa học công nghệ. Các quốc gia này tận dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, không phải ngẫu nhiên, trong tốp 10 người giàu nhất thế giới năm 2024, số tỷ phú công nghệ chiếm đến 7 người. Trong đó, nhiều người dù còn rất trẻ nhưng tổng tài sản nắm giữ lên đến hàng trăm tỷ USD, như tỷ phú công nghệ Elon Musk, Mark Zuckerberg, Larry Ellison…

Với Việt Nam, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiều nghị quyết quan trọng của Đảng như Nghị quyết 20, Nghị quyết 52, Nghị quyết 36 đã được ban hành, mang lại kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Điều đáng suy ngẫm, trong khi khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, thay đổi liên tục, thì thể chế chưa theo kịp, chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro, chấp nhận những “điều mới mẻ” chưa từng có tiền lệ. Trước một số vấn đề mới, các quy định pháp luật vẫn chưa theo kịp, còn “tư duy không quản được thì cấm”, dẫn đến rủi ro cho startup, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mới. Điều này dẫn đến thực tế, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tạo ra công nghệ, sản phẩm công nghệ của Việt Nam vẫn phải sang Singapore, Phần Lan, Estonia và các nước khác để thử nghiệm, gọi vốn, tìm đối tác.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sáng 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là “con đường sống còn”. “Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa”, Tổng Bí thư nói, đồng thời yêu cầu xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; loại bỏ ngay tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, hay bình quân chủ nghĩa.

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới kinh tế của gần 40 năm trước, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào Nghị quyết “khoán 10” mới sẽ tạo ra những bước phát triển đột phá mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

MỚI - NÓNG