Ai cũng chặc lưỡi, những hình ảnh, video ấy là “bọn AI nó bịa ra”, tin thế nào được! Một lúc nào đó, hành tinh này đột nhiên bung vỡ, chắc vẫn không ít người đứng cười...
Vụ cháy rừng tồi tệ bậc nhất lịch sử nước Mỹ mấy ngày qua đã biến diện tích khoảng 53 dặm vuông, tức gần 140km2 thành tro bụi; đến thời điểm này đã có 11 người chết, gần 200 ngàn người sơ tán, thiêu rụi trên 10.000 nhà cửa, công trình. Không chỉ là tài sản của giới minh tinh, nhà giàu, mà còn vô số đền đài, công viên, nhà hát, bảo tàng, nhà thờ lừng danh. Nhà chức trách sở tại đang điều tra vụ cháy, với nhiều giả thiết được đưa ra. Nhưng với hiện tình chồng chéo, phức tạp này, có lẽ cuối cùng sẽ không có nguyên nhân nào khác, ngoài biến đổi khí hậu và sự chồng lấn chiếm hữu của con người lên tự nhiên.
“Vụ cháy Hollywood cho thấy rằng mọi sự giàu có, sắc đẹp hay danh tiếng đều không thể cứu chúng ta khỏi sự trả thù của thiên nhiên vì sự thiếu hành động của chúng ta”, như bình luận của nhà báo nổi tiếng Dov Alfon. Nhưng có lẽ giới minh tinh “sang chảnh” chỉ là cái cớ thuận lợi để diễn ngôn, bởi còn bao nhiêu tầng lớp, thành phần khác cũng can dự với tư cách “thủ phạm”, và cũng chính là nạn nhân. Dù rằng với phong cách quen thuộc của mình, kinh đô Hollywood rồi sẽ sớm cho ra một bộ phim lớn trên nền thảm họa này, với những cảnh quay thật không cần phim trường.
Trạng thái bán tín bán nghi ngày càng đè nặng lên thế giới này, và rồi sự ngờ vực sẽ là chủ đạo. Khi mọi thứ AI tạo ra ngày càng giống như thật, trùng lắp thậm chí phủ lấp lên hiện thực, đến lúc nào đó con người không còn tin vào những giác quan của mình trước hiện thực. Liệu sẽ đến lúc như vậy chăng? Như chữ Authentic (Xác thực) là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm 2023 và chắc chắn sẽ còn rất lâu nữa, giữa thời đại mà mọi thứ chênh chao giữa thật và giả, giữa đúng và sai, giữa bản chất thật và thói màu mè phông bạt...
Là tranh chấp giữa những thuật toán AI dưới ý chí và bàn tay nhào nặn của một số “ông lớn” nhằm thao túng nhân loại, với báo chí hiện đại cố giữ đúng thuộc tính của chính nó suốt lịch sử hơn 200 năm qua. Đó là nguyên tắc chân thật và lòng trung thành với sự thật. Báo chí ngày càng chật vật để có thể giữ nguyên tắc đó, khi những thuật toán AI đã đủ sức cướp sóng và phủ sóng mọi thứ thông tin trên toàn cầu. Khiến con người ta còn không tin vào những thảm họa trước mắt mình.
Các nhà khoa học đã kỳ công tìm ra bằng chứng sớm nhất về đám cháy rừng đầu tiên trên trái đất cách đây khoảng 430 triệu năm thuộc Kỷ Silurian. Từ mẩu than củi được khai quật tại xứ Wales và Ban Lan. Chất cháy là một loài nấm cổ đại, ngọn lửa từ tia sét giáng xuống của Thiên lôi, với nồng độ oxy phù hợp. Nhưng rồi AI, ngoài việc giúp các nhà khoa học khám phá chiều sâu thẳm của lịch sử, cũng lại thừa sức tạo dựng những chứng lịch sử, khảo cổ giả.
Chúng ta, làm sao không để sự hoài nghi biến mình thành một giống loài khác?