Với Việt Nam, “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, trọng dụng nhân tài được coi là truyền thống. Để thu hút người tài, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để không chỉ thu hút người tài trong nước mà còn cả những người tài gốc Việt ở nước ngoài về nước làm việc, đóng góp cho sự phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài vẫn còn những bất cập. Tình trạng nhân tài rời đi sau khi được chiêu mộ vẫn xảy ra nhiều. Nhiều sinh viên có năng lực nổi trội sau khi được cử đi đào tạo đã không quay trở lại làm việc.
Riêng tại TPHCM, từ năm 2018 đến năm 2022, thực hiện chương trình thí điểm thu hút nhân tài, với kết quả: 14 trong số 19 nhà khoa học rời đi sau khi được chiêu mộ. Còn tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, trong 5 năm liên tiếp, TPHCM cũng không thu hút được ai về làm việc tại các đơn vị của theo Nghị định 140 của Chính phủ. Đến gần đây, TPHCM lần đầu tiên tuyển dụng được 3 nhân sự trúng tuyển giáo viên THPT, chuyên viên hành chính tổng hợp trong khi nhu cầu của thành phố lên đến 63 vị trí việc làm.
Năm 2025, đất nước đang ở trước thềm kỷ nguyên mới, để vươn mình trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra là phải thu hút và trọng dụng nhân tài, không chỉ với người Việt Nam mà cả những người nước ngoài đến sinh sống và làm việc. Trong cuộc tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - cơ hội và thách thức" trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ cách đây không lâu, GS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore chia sẻ, muốn tiến lên phía trước thì cải cách xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, phải tìm đến người tài, thu hút người tài.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là không chỉ thu hút được nhân tài mà còn giữ được nhân tài ở lại lâu nhất trong bộ máy để họ cống hiến, tạo ra những đột phá mới cho sự phát triển. Muốn thế, việc bố trí cán bộ phải phù hợp với năng lực, sở trường. Ví dụ, muốn phát triển AI, Internet vạn vật mà giao cho người nói đường lối chung chung thì rất khó. Lãnh đạo trong những lĩnh vực trên phải là chuyên gia trong lĩnh vực đó và có kết quả điều hành trong thực tế.
Ngoài ra, không chỉ tìm những tài năng trong giới chính trị mà còn cả ở trong xã hội để xây dựng đội ngũ cán bộ sáng tạo và có khả năng phản ứng nhanh với những thay đổi. Dẫn ví dụ về việc đưa Nguyễn Xuân Son vào đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam, GS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, điều này làm cho mọi người cảm thấy có trách nhiệm với quê hương, đất nước và cũng tự vươn lên học tập người giỏi.