Khơi thông nguồn lực khoa học công nghệ đưa Việt Nam cất cánh, kỳ 2:

Không 'đút ngăn kéo' kết quả nghiên cứu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) hiện nay mới chủ yếu dừng ở kết quả mà chưa đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm. Kết quả nghiên cứu “đút ngăn kéo” gây ra một sự lãng phí rất lớn, đồng thời làm giảm giá trị gia tăng cho nền kinh tế từ KHCN mang lại.

Tháo gỡ nút thắt về sở hữu trí tuệ

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu, là người từng được vinh danh ở Giải thưởng Kovalevskaia khi mới ngoài 40. Sau nghiên cứu ra sản phẩm, bà Hà mong muốn đưa sản phẩm vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực. Để làm điều đó, nữ GS phải cắm sổ đỏ ngôi nhà của mình. “Tôi biết nhiều nhà khoa học khác cũng phải hy sinh cái này, cái kia để theo đuổi đam mê nghiên cứu, khó khăn vất vả vô cùng”, bà Hà nói.

Không 'đút ngăn kéo' kết quả nghiên cứu ảnh 1

Quỹ VinIF công bố các khoản tài trợ nghiên cứu KHCN năm 2024.

Từ câu chuyện của mình, GS Hà mong muốn các cơ quan quản lý khoa học tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vùng đệm nghiên cứu, còn được biết đến với tên “thung lũng chết”, là vùng hoàn thiện công nghệ, đưa sản phẩm vào sản xuất và thương mại hóa, tạo ra giá trị gia tăng và nguồn thuế cho nhà nước. Theo nữ GS, vùng đệm này không chịu rủi ro quá cao như nghiên cứu nhưng lại tốn rất nhiều chi phí.

“Tôi mong sau khi Nghị quyết 57 ban hành, chúng ta sẽ sửa các luật tương ứng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Viên chức, Luật Quản lý thuế để có thể giao quyền tự chủ cao nhất cho người làm khoa học bằng việc sở hữu kết quả nghiên cứu và tự định giá quá trình chuyển giao công nghệ”.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN

Bà cho biết, giai đoạn thử nghiệm và thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Các quy định chưa phù hợp với thực tế khi yêu cầu doanh nghiệp tham gia thương mại hoá sản phẩm phải đóng góp tới 70% vốn. “Làm sao một doanh nghiệp có thể bỏ tiền đi mua một sản phẩm còn tương đối dở dang của nhà khoa học. Họ bỏ tiền để thu lợi nhuận chứ không mua rủi ro”, nữ GS nói và mong muốn cơ quan quản lý KHCN đồng hành nhà khoa học đến sản phẩm cuối cùng. “Đừng cắt nguồn kinh phí quá sớm, cắt đoạn quan trọng nhất để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng từ kết quả nghiên cứu khoa học”, nữ GS bày tỏ.

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu thực tế đáng buồn, các nhà khoa học đang đối diện vấn đề mà dư luận rất bức xúc là tại sao các đề tài nghiên cứu được nghiệm thu xuất sắc lại bỏ ngăn kéo, không ứng dụng thực tiễn, không chuyển giao cho sản xuất kinh doanh để biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm xã hội. Ông nêu hai nguyên nhân của vấn đề này. Thứ nhất là quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước và hai là vấn đề định giá kết quả nghiên cứu chuyển giao cho doanh nghiệp.

Theo TS Nguyễn Quân, các nước phát triển có cơ chế mặc định là kết quả nghiên cứu KHCN sẽ thuộc sở hữu của cơ quan khoa học chủ trì và các nhà khoa học, dù nguồn tài trợ đến từ ngân sách nhà nước. Khi được làm chủ sản phẩm nghiên cứu, nhà khoa học mới có quyền chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, xã hội để sản xuất kinh doanh.

Một vấn đề khác, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Việt Nam vẫn có quan niệm, tài sản nhà nước khi chuyển giao khu vực ngoài nhà nước phải định giá và mong muốn thu hồi đầu tư ngân sách nhà nước một cách trực tiếp sau khi chuyển giao công nghệ, đây là quan điểm không phù hợp với kinh tế thị trường. Ở các nước phát triển, nhà khoa học được mặc định giao quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu. Vì vậy, họ có thể đem kết quả nghiên cứu chuyển giao, góp vốn cho doanh nghiệp hoặc tự thành lập doanh nghiệp. Nhà nước sẽ thu hồi đầu tư của mình không phải trực tiếp khi chuyển giao công nghệ mà thông qua thuế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi nhận được kết quả nghiên cứu và phát triển sản xuất, đóng thuế cho nhà nước gấp nhiều lần so với trước khi họ nhận được tài sản trí tuệ của người làm khoa học.

“Pháp luật của chúng ta chưa làm được như thế, thậm chí các nhà khoa học còn bị cấm thành lập và điều hành doanh nghiệp”, TS Nguyễn Quân nói và cho biết, nếu gỡ được rào cản trong quy định về sở hữu trí tuệ và định giá kết quả nghiên cứu, các đơn vị nghiên cứu ứng dụng có thể tự chủ tài chính. “Tôi mong sau khi Nghị quyết 57 ban hành, chúng ta sẽ sửa các luật tương ứng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Viên chức, Luật Quản lý thuế để có thể giao quyền tự chủ cao nhất cho người làm khoa học bằng việc sở hữu kết quả nghiên cứu và tự định giá quá trình chuyển giao công nghệ”, nguyên Bộ trưởng nói.

học hỏi mô hình thành công từ VinIF

Năm 2018, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (Vingroup Innovation Foundation - VinIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Institute of Big Data) được thành lập với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam. VinIF cho phép các chủ nhiệm dự án, nhóm nghiên cứu và tổ chức chủ trì được giữ toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp cũng như các kết quả nghiên cứu khác. Quỹ cũng giao quyền chủ động về tài chính cho chủ nhiệm dự án, tạo điều kiện về thời gian, điều kiện làm việc để chủ nhiệm dự án và nhóm nghiên cứu hoàn thành nhiệm vụ.

Không 'đút ngăn kéo' kết quả nghiên cứu ảnh 2

Các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang thực hiện tích hợp vệ tinh. Ảnh: VNSC.

Trong 6 năm qua, Quỹ đã tài trợ hơn 900 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, trợ lực cho hơn 3.500 nhà khoa học, cấp kinh phí cho 124 dự án. Nhờ đó tạo ra hơn 80 sáng chế trong nước và quốc tế, trên 600 công trình công bố trên các tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín, 350 sản phẩm các loại. Tỷ lệ dự án nghiệm thu đã thương mại hóa sản phẩm hoặc chuyển giao công nghệ và thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp lên tới 22% và 34%.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, qua bài học thành công và cả những khó khăn của VinIF, Bộ ngay lập tức đưa vào dự thảo Luật KHCN đang sửa đổi, trong đó làm thế nào để xây dựng được các thủ tục quy trình thuận lợi nhất trong nghiên cứu. Ban soạn thảo đề xuất các quy định để chính thức hoá các quỹ tài trợ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học như VinIF, đồng thời xây dựng cơ chế thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thực hiện hỗ trợ, tài trợ cho nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng Duy cho biết thêm, một trong những nội dung đề xuất tại dự thảo là tất cả các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện nghiên cứu phát triển được tính như chi phí sản xuất, hoạt động kinh doanh. Có như vậy mới có thể thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm hơn đến KHCN. Ông cho rằng, nguồn lực từ các doanh nghiệp sẽ là một khoản tài trợ rất lớn, trực tiếp cho cộng đồng khoa học. Vì vậy, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nguồn lực này.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn, bài học thành công của VinIF là một điểm sáng, là động lực cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác của Việt Nam chung tay hình thành nhiều quỹ, nguồn tài trợ cho cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam, để KHCN thực sự trở thành động lực cho sự phát triển.

Năng lực làm chủ KHCN của doanh nghiệp yếu

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, thị trường KH&CN ở Việt Nam đã hình thành và phát triển nhưng còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cũng như thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ. Bên cạnh đó, nhu cầu năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu. Nghị quyết số 03/NQ-CP năm 2025 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW nêu giải pháp, cần có chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ gắn với cơ chế chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng. Bên cạnh đó rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG