Khơi thông nguồn lực khoa học công nghệ đưa Việt Nam cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban. Báo Tiền Phong tổ chức tuyến bài nêu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý về giải pháp tháo gỡ những nút thắt, khơi thông nguồn lực, giúp khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực đưa Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỳ 1: Gỡ nút thắt tài chính

Nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KHCN ở Việt Nam rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó cơ chế tài chính chưa phù hợp được coi là nút thắt lớn nhất trói buộc sự phát triển của KHCN trong nhiều năm qua. Theo các chuyên gia, gỡ được nút thắt sẽ giúp KHCN Việt Nam bứt phá.

Thiếu nguồn lực

Nhấn mạnh vai trò KHCN là quốc sách hàng đầu, Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI xác định huy động mạnh mẽ nguồn vốn xã hội và các nguồn vốn nước ngoài đầu tư cho phát triển KHCN. Nâng tổng đầu tư xã hội cho KHCN đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020 và khoảng 3% GDP vào năm 2030. Tăng đầu tư của Nhà nước cho KHCN bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm.

Khơi thông nguồn lực khoa học công nghệ đưa Việt Nam cất cánh ảnh 1

Các nhà khoa học của Viettel nghiên cứu, phát triển công nghệ 5G. Ảnh: VHT

Tuy nhiên thực tế những năm qua, tổng chi từ ngân sách nhà nước cho KHCN chưa đạt được 2% trong khi các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn vốn từ khối doanh nghiệp chưa được khơi thông khiến nguồn lực phát triển KHCN ở Việt Nam rất khiêm tốn.

Trong giai đoạn 2020-2022, theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, kinh phí đầu tư ngân sách nhà nước cho KHCN trung bình 17.494 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ lệ 1,01% tổng chi ngân sách, đạt 0,2% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân các nước trong khu vực và thế giới.

Theo TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, kinh phí cho đầu tư KHCN ở Việt Nam là rất khiêm tốn, trong đó phần lớn chi cho hoạt động thường xuyên như chi lương, đầu tư.

Nguồn kinh phí trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu rất thấp. TS Nguyễn Quân cho rằng, Nghị quyết 57 đề xuất chi 3% trong tổng chi ngân sách cho KHCN là rất đáng mừng. “Nếu dành được 10-11% trong 3% đó cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng sẽ tạo ra bước phát triển nhảy vọt cho KHCN”, TS Quân nói.

Tại Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel những năm qua, khoảng 10.000 tỷ đồng được trích cho hoạt động nghiên cứu phát triển mỗi năm.

Theo ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn, nguồn kinh phí trên đã giúp Tập đoàn hoàn thành được nhiều dự án quan trọng được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao, tạo ra được kết quả nghiên cứu rất quan trọng, trong đó thiết bị, công nghệ 5G của Viettel được xuất khẩu sang nhiều nước.

Từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng, nếu thực hiện được mục tiêu đến năm 2030, kinh phí cho nghiên cứu phát triển R&D đạt 2% GDP, xấp xỉ 9 tỷ USD/năm sẽ là nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu phát triển KHCN của Việt Nam.

Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng cho rằng, cùng với việc bổ sung nguồn lực, cần có hướng dẫn về việc triển khai, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách này, nên tập trung nguồn lực này cho các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng.

Khơi thông nguồn lực khoa học công nghệ đưa Việt Nam cất cánh ảnh 2

Hoạt động nghiên cứu đào tạo tại Trường Đại học Phenikaa Hà Nội. Ảnh: Trương Anh

PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu KHCN, cần khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp. Ông chia sẻ, Luật KHCN quy định, doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu phát triển.

Tuy nhiên sự thiếu rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn đã cản trở khơi thông nguồn kinh phí lớn và quan trọng này. PGS Tùng kỳ vọng việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ đang diễn ra sẽ góp phần khơi thông nguồn lực này. Ông cũng cho rằng, đất nước còn khó khăn, ngân sách nhà nước còn phải chi cho nhiều nội dung phát triển nên cần tránh đầu tư dàn trải.

“Đầu tư hiện tại phải đi kèm trách nhiệm giải trình với cam kết đầu ra phải đo lường cụ thể. Đơn vị nào hoạt động càng hiệu quả thì càng nhận được sự đầu tư để tiếp tục phát huy hơn nữa, làm đầu tàu cho cả hệ thống vươn lên”, PGS Tùng nói.

Tháo gỡ cơ chế

Theo TS Nguyễn Quân, không chỉ nguồn lực hạn chế, việc cấp ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tồn tại rất nhiều bất cập, trở thành rào cản lớn nhất cho phát triển KHCN.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ví dụ, các nước phát triển dùng cơ chế Quỹ để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và ứng dụng nhưng ở Việt Nam lại dùng phương thức lạc hậu là xây dựng dự toán ngân sách theo năm tài chính.

Vì vậy các nghiên cứu phải chờ đợi cấp kinh phí từ một đến nhiều năm, kể từ khi có đề xuất, đặt hàng của nhà nước. Điều này làm giảm hoạt động KHCN rất nhiều, gây khó khăn lớn cho các nhà khoa học.

TS Nguyễn Quân chia sẻ thêm, Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã đề cập đến cơ chế sử dụng các Quỹ phát triển KHCN để cấp phép kinh phí cho nghiên cứu và ứng dụng, tuy nhiên trên thực tế chưa làm được. Ông đề xuất Việt Nam cần thành lập và tái thành lập các Quỹ phát triển KHCN của Nhà nước ở tất cả các bộ ngành địa phương, làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tháo gỡ nút thắt về cơ chế tài chính hiện nay.

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu chia sẻ thực tế, khi thực hiện nhiệm vụ KHCN từ nguồn ngân sách Nhà nước, các nhà khoa học gặp “ma trận” khó khăn đến từ cơ chế tài chính. Bà kể, có khi tốn đến 50% năng lượng để làm những công việc không liên quan gì đến khoa học nhưng không làm thì không thể thực hiện nhiệm vụ.

Nữ GS đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không đặt luôn đầu bài nghiên cứu kèm kinh phí để giảm ít nhất 5-7 cuộc họp mà ở đó nhà khoa học và quản lý khoa học luôn cò kè từng đồng”.

Nữ GS cũng cho rằng, một số lĩnh vực KHCN phù hợp cần mạnh dạn thực hiện cơ chế quỹ và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, giảm bớt mọi thủ tục trung gian trong khi đảm bảo quản lý hiệu quả về tài chính, hướng tới mục tiêu đề ra, giải phóng 100% năng lực và năng lượng của nhà khoa học được dành cho chuyên môn. Nếu làm được như vậy sẽ tạo ra động lực để các nhà khoa học đam mê cống hiến.

Tập trung giải phóng nguồn lực KHCN

Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.

Nghị quyết cũng nêu giải pháp quan trọng khơi thông nguồn lực KHCN là khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật về khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện cải cách phương thức quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với từng loại hình nghiên cứu; cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ đang tiến hành rà soát các điểm nghẽn về thể chế trong hoạt động nghiên cứu phát triển KHCN hiện nay để đề xuất các quy định cụ thể trong Dự thảo Luật KHCN sửa đổi nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực nghiên cứu, phát triển KHCN.

MỚI - NÓNG