Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Nghiêm cấm ép buộc mua bảo hiểm dưới mọi hình thức

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Cụ thể, đối với lĩnh vực tài chính, cần phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Nghị quyết cũng yêu cầu, hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Chậm nhất năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Sử dụng nguồn thu từ xổ số và trò chơi có thưởng để đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội và các chương trình, dự án trọng điểm liên vùng, dự án quan trọng quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành Hải quan số với 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Đến năm 2025, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, bảo đảm khả năng kết nối dữ liệu đến các bộ, ngành, địa phương. Chủ động dự báo, có phương án bảo đảm cân đối cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải...không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Đồng thời, cần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn ngành, nhất là lĩnh vực hải quan và giá.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao ảnh 2

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương

Đối với lĩnh vực ngoại giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Tăng cường rà soát, đôn đốc việc thực hiện các Điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trong đó, tập trung vào các Điều ước, thỏa thuận quan trọng.

Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng. Tăng cường phối hợp đàm phán mở mới, nâng cấp các cửa khẩu để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu.

Cùng với đó, cần phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối hỗ trợ cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và địa phương tiếp cận và nắm bắt cơ hội về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, xu thế phát triển số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Nghị quyết cũng đề cập đến việc chủ động đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước trên cơ sở có đi có lại.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo hộ công dân và người Việt Nam ở nước ngoài. Triển khai toàn diện, hiệu quả công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

“Làm tốt công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy xây dựng các cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm phát huy hơn nữa nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có giải pháp kết nối, tranh thủ nguồn lực tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài”, Nghị quyết nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ cũng lưu ý, rà soát, hoàn thiện các quy chế, cơ chế tài chính, quy trình xử lý công tác bảo hộ công dân, có phương án để sẵn sàng sơ tán công dân, nhất là tại các địa bàn có nguy cơ xảy ra xung đột; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để bảo hộ công dân trong các tình huống khủng hoảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong triển khai việc bảo hộ công dân.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.