Nghị lực phi thường của nữ sinh đến trường thi bằng đầu gối

Nghị lực phi thường của nữ sinh đến trường thi bằng đầu gối
TPO - Dù bị tật bẩm sinh từ nhỏ, di chuyển phải bằng đầu gối nhưng ước mơ thay đổi cuộc đời cũng như truyền cảm hứng cho những người cùng cảnh không bao giờ nguôi trong con người của thí sinh Phạm Thị Thu Thủy (SN 1997).  

Tại điểm thi THCS Colette (quận 3, TP.HCM), thí sinh Phạm Thị Thu Thủy (SN 1997) là thí sinh đặc biệt nhất.

Thủy sinh ra không may mắn khi đôi chân bị teo liệt hoàn toàn. Từ nhỏ, Thủy lớn lên trong Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ trẻ em Tam Bình (Phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM).

Tuy nhiên, chỉ có mỗi mình Thủy khuyết tật nên gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại, nhiều chỗ không chịu nhận Thủy vào học.

Nghị lực phi thường của nữ sinh đến trường thi bằng đầu gối ảnh 1

Dù khuyết tật nhưng Thủy rất tự tin

Năm 12 tuổi, Thủy được chuyển đến làng trẻ Hòa Bình (tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM). Từ đó ngoài sinh hoạt ở làng trẻ, Thủy được hỗ trợ tham gia các lớp học văn hóa tại Trung tâm Bảo trợ Dạy nghề và Tạo việc làm cho người khuyết tật TPHCM.

Cô thí sinh trong thân hình nhỏ nhắn chia sẻ, từ khi bắt đầu có ý thức về cuộc sống cho đến nay chưa một lần Thủy được gặp cha mẹ, tuy nhiên, may mắn được các mẹ và bạn bè ở trung tâm yêu thương.

Quãng đường đi học của Thủy cũng đầy gian nan, đều đặn mỗi ngày được một người anh cùng cảnh ngộ trong làng trẻ chở đến lớp bằng xe 3 bánh. Đến cổng trường, Thủy tự mình xoay trở tự xuống xe, tự đi vào lớp bằng những bước đi nhỏ bé từ 2 đầu gối.

Đôi đầu gối nhỏ nhắn nhưng chai sạn mang đầy tình yêu thương cũng như quyết tâm, hy vọng của đại gia đình trung tâm nơi Thủy đang sinh sống.

Nghị lực phi thường của nữ sinh đến trường thi bằng đầu gối ảnh 2

Thủy muốn trở thành một giáo viên nuôi dạy trẻ đặc biệt để bù đắp cho các em không may mắn như mình. 

Thủy cho biết, Thủy muốn trở thành một giáo viên nuôi dạy trẻ đặc biệt để bù đắp cho các em không may mắn như mình. Trong bài thi Văn sáng nay, Thủy làm bài khá tốt và cho rằng đề Văn rất hay, sát với thực tế, đặc biệt là phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

MỚI - NÓNG