Tạ Minh Tuấn - Nhà sáng lập Help International: Khám phá để chinh phục
Dấn thân vào hành trình khởi nghiệp từ năm 19 tuổi, đến năm 23 tuổi, anh được CSIP, World Bank, British Council công nhận là một trong 15 doanh nhân xã hội tiêu biểu của Việt Nam. Không lâu sau, anh tiếp tục được Forbes (tạp chí hàng đầu thế giới về kinh doanh) xướng tên trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi thành công và có sức ảnh hưởng nhất ở Việt Nam cũng như khu vực châu Á. Anh là Tạ Minh Tuấn (29 tuổi) - Nhà sáng lập Help International.
Tạ Minh Tuấn là cái tên không xa lạ gì trong giới startup, bởi anh là người tiên phong về dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà ở Việt Nam. Hành trình khởi nghiệp của Tuấn trải qua đủ thăng trầm. Đến nay, Help International “bác sĩ riêng-y tế tại nhà” đã giúp hơn 10.000 hộ gia đình được chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả.
Tiếp nối thành công của Help International, Tạ Minh Tuấn quyết định thành lập một tổ chức hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp. Năm 2011, YUP Insitute – học viện tiên phong về đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam ra đời. Bởi hơn ai hết, anh hiểu rõ khởi nghiệp không như gieo hạt cứ đợi mưa xuống là nảy mầm mà cần có những ý tưởng sáng tạo, nguồn vốn, môi trường đầu tư…
“Bật mí” bí quyết thành công, Tuấn cho rằng các bạn trẻ muốn khởi nghiệp hiệu quả cần phải có kiến thức vững chắc, thậm chí là ở mức độ chuyên gia trong lĩnh vực mình lựa chọn. Tuấn là một minh chứng: Có chuyên ngành bách khoa nhưng lại chọn y tế làm con đường khởi nghiệp. “Tôi đã tốn rất nhiều thời gian để học hỏi, tìm tòi kiến thức về lĩnh vực y tế nhưng không thể bắt kịp lượng kiến thức quá đồ sộ. Vì vậy, tôi đã tìm các chuyên gia dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế để phối hợp với họ. Khi đã có nền tảng vững chắc, các bạn hoàn toàn có thể tự tin khởi nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào. Hãy mạnh dạn khám phá và chinh phục những ý tưởng táo bạo”, Tuấn nói.
Theo Tuấn, với các công ty khởi nghiệp, việc đi tiên phong mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức. Người khởi nghiệp cần hiểu rõ thị trường, có sự chuẩn bị cần thiết và nắm bắt thời cơ để hành động. Khởi nghiệp cần kiên trì và sự thông minh trong ứng biến. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ, người khác chiếm lấy chỗ của bạn ngay. Còn thành công, start-up của bạn sẽ là điều đầu tiên người khác nhớ tới khi nhắc đến sản phẩm hay dịch vụ thuộc lĩnh vực ấy.
“Khởi nghiệp cũng không nhất thiết phải có sẵn số vốn lớn. Lúc đầu tôi lập nghiệp chỉ có 3 triệu đồng trong tay cùng một ý tưởng. Trong vòng hai tháng, tôi đã huy động được trên 14 tỷ đồng cho Help hoạt động và được giải ngân từng năm. Nhà đầu tư cũng rất quan trọng. Do đó trước khi chọn cần cân nhắc xem nhà đầu tư đó có phù hợp với mục tiêu, giá trị cốt lõi của mình hay không. Tìm kiếm nhà đầu tư như kết hôn, chọn sai sẽ dễ thành thảm họa” – Tạ Minh Tuấn đúc kết.
Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc công ty CP Vũ trụ xanh: Khởi nghiệp từ chiếc ổ khóa
Sở hữu cả triệu USD chỉ sau 6 tháng khởi nghiệp, nhưng Hoàng Tuấn Anh (33 tuổi) cũng là doanh nhân trẻ phá sản... nhanh kỷ lục. Tuy nhiên, thất bại đã cho Tuấn Anh bài học quý giá để anh làm lại từ đầu và nhanh chóng trở lại ngôi triệu phú, thống lĩnh thị trường khóa điện tử.
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở TPHCM, năm 2000, Tuấn Anh du học tự túc Australia. Đam mê kinh doanh từ nhỏ và mở công ty từ năm 18 tuổi, Tuấn Anh đã tận dụng mọi cơ hội kiếm tiền.
Năm 2007, Tuấn Anh tốt nghiệp ngành kĩ sư xây dựng nhưng chưa vội về Việt Nam mà ở lại tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Một lần, tình cờ biết Chính phủ Australia sắp triển khai chương trình hỗ trợ tấm cách nhiệt miễn phí cho người dân trong hai năm, trị giá khoảng 2 tỷ AUD, Tuấn Anh vô cùng hứng thú.
Vượt qua rất nhiều đối thủ cạnh tranh, cuối cùng, công ty của Tuấn Anh là một trong 5 đơn vị tại Australia được cung cấp sản phẩm này. Doanh nhân 8X chia sẻ, lúc đó sản phẩm này rất “hot”, một căn nhà anh có thể lời 500 - 1.000 AUD. Công việc suôn sẻ đến mức chỉ trong 6 tháng đầu tiên, ông chủ trẻ đã có trong tay cả triệu đô.
Đang có rất nhiều dự định thì đùng một cái, chính phủ Australia quyết định tạm ngưng chương trình hỗ trợ dân sinh này do nhiều đơn vị thi công khác làm việc không hiệu quả. Hợp đồng nhập hàng đã ký kết, đối tác triển khai cũng đã thỏa thuận xong... giờ tất cả “đổ sông đổ biển” khiến chàng trai trẻ khủng hoảng cả về vật chất lẫn tinh thần. “Dù được chính phủ Australia bồi thường thiệt hại, tôi vẫn rơi vào phá sản. Cảm giác lúc đó thật trống rỗng”, Tuấn Anh kể.
Lúc này, tài khoản còn lại chỉ vài trăm nghìn USD, Tuấn Anh nhận ra rằng thương trường không có chỗ lâu dài cho người chỉ biết “đua” theo xu hướng. “Lúc đó, tôi biết mình cần một con đường lâu dài, có chiến lược đầu tư bài bản nếu muốn tiếp tục cuộc chơi”.
“Thất bại là mẹ thành công”, Tuấn Anh rút ra được nhiều kinh nghiệm và nhảy sang thị trường khóa điện tử. Theo Tuấn Anh, khóa điện tử là thị trường nghìn tỷ đồng mà các doanh nghiệp Việt bỏ quên nhiều năm qua. Hầu hết người Việt vẫn đang dùng khóa cơ mà chưa quen sử dụng khóa điện tử, ngoại trừ một số công trình lớn như khách sạn, resort. Tìm hiểu thị trường trong nước, Tuấn Anh nắm được chỉ có vài doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm này nhưng sản lượng cũng chưa nhiều. Hơn nữa, thị trường này bị chiếm lĩnh bởi các thương hiệu nước ngoài.
Đô thị hóa đi kèm với những căn nhà mới, trở thành môi trường béo bở cho các nhà sản xuất khóa điện tử. Chỉ riêng TPHCM đã có trên 2 triệu căn nhà đang sử dụng khóa cơ, chưa dùng khóa điện tử. Tạm tính mỗi nhà dùng một khóa điện tử giá thấp nhất 2 triệu đồng, tiềm năng thị trường này đã ở mức 4.000 tỷ đồng. Nếu tính trên cả nước, quy mô thị trường không dưới 10.000 tỷ đồng. Trên thực tế, con số này có thể lớn hơn nhiều lần vì mỗi nhà thường dùng 2 - 5 khóa. Nếu tính cả phân khúc khách sạn, văn phòng cho thuê và biệt thự sẽ thấy tiềm năng thị trường khóa điện tử là rất lớn.
Theo xu thế phát triển chung là tiếp cận các dự án mới xây dựng, Tuấn Anh thành lập công ty Vũ Trụ Xanh với vai trò phân phối độc quyền khóa điện tử PHGLock (Australia).Ngoài ra, Tuấn Anh còn âm thầm phát triển hệ thống bán lẻ từ năm 2010. Sau bảy năm đầu tư, Tuấn Anh xem như đã thống lĩnh phân khúc bán lẻ mặt hàng này với 300 đại lý trên toàn quốc. Hiện tại, mỗi năm công ty bán ra ít nhất 50.000 sản phẩm, với mức giá thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất gần 40 triệu đồng mỗi sản phẩm. Giai đoạn 2010 – 2015, doanh thu công ty chỉ tăng trưởng khoảng 20%/năm. Nhưng từ năm 2015 đến nay, việc đầu tư vào hệ thống bán lẻ đã giúp doanh số hàng năm của công ty tăng gấp đôi.
“Chúng tôi đang hướng đến nhiều hơn đối tượng khách hàng doanh nghiệp, khách sạn, khu chung cư, tòa nhà...” - Tuấn Anh nói và cho biết mục tiêu của công ty trong năm nay là cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Mỹ Nga - nhà sáng lập chuỗi cửa hàng đồ chơi Wowlen: Đem chuông đi đánh xứ người
Từng tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh ở Mỹ, được nhiều công ty chào mời, thế nhưng, Nguyễn Thị Mỹ Nga (27 tuổi) - nhà sáng lập chuỗi cửa hàng đồ chơi Wowlen luôn muốn trở về quê nhà, kinh doanh những sản phẩm của quê hương và giới thiệu, quảng bá “đứa con tinh thần” ấy ra thế giới.
“Trong quá trình tìm kiếm, vô tình mình nhìn thấy những con búp bê móc bằng len bán ở hội chợ. Mình chợt nghĩ: “Đồ chơi an toàn cho trẻ bằng len! Tại sao không?”. Càng đi sâu, tìm hiểu, mình càng muốn chinh phục len bởi hầu như những người thợ giỏi nghề cũng chỉ mới dừng lại ở việc móc áo, mũ, khăn choàng… Dùng len để tạo ra một món đồ chơi dường như còn rất mới mẻ với họ. May mắn, khi biết ý định của mình, các chị đều nhiệt tình làm thử. Đó chính là những động lực đầu tiên để mình khởi nghiệp cùng len”, cô gái trẻ hồi tưởng.
Nghĩ là làm, có thêm “hậu phương” chồng (cũng du học ở Mỹ) ủng hộ, Nga ngày đêm gần như dành trọn thời gian, tâm trí để thiết kế, tạo ra những mẫu mã búp bê, thú bông từ sợi len của riêng mình, không “đụng hàng” với bất kỳ sản phẩm len nào trên thị trường. “Nói thì dễ nhưng bắt tay vào công việc mới thấy muôn vàn khó khăn. Búp bê bằng len trước mình đã có nhiều công ty kinh doanh, nên việc làm sao để không trùng mẫu cực kỳ khó. Tuy nhiên, mình luôn khó tính trong từng thành phẩm, đó không chỉ là món đồ chơi mà đó còn là sản phẩm trí tuệ, là từ đôi bàn tay khối óc của người thợ thủ công” – Mỹ Nga bộc bạch.
Bao nhiêu hy vọng tràn trề trong ngày ra mắt “đứa con tinh thần” thì đùng một cái, Nga tuyên bố hủy hết lô hàng trị giá hàng trăm triệu đồng. Muốn đồ chơi an toàn, Nga đặt hàng len sợi cotton (đây là một trong những chuẩn để xuất khẩu). Khi đã tạo thành cả ngàn sản phẩm, cô đem mẫu đi kiểm tra. Kết quả khiến Nga thật sự sốc: đó không phải len sợi cotton mà là polyester “Thực ra, nếu mình không nói thì không ai biết. Nhưng lương tâm mình không cho phép. Mình cũng là người mẹ có con nhỏ, mình muốn đem những điều tốt nhất đến cho con thì những bà mẹ khác cũng vậy. Một món đồ chơi không an toàn, làm sao mình dám cho con chơi, còn nói chi đến việc kinh doanh” - Nga nói.
Sau nhiều lần dò hỏi, tìm tòi, cuối cùng, Nga nhập nguyên liệu sợi len và bông từ Mỹ, đem về Việt Nam nhuộm màu, kiểm tra ngay để biết chắc chắn rằng đó là 100% cotton mới đưa vào xưởng thiết kế thành phẩm. Wowlen là đơn vị tiên phong đăng ký đạt các tiêu chuẩn hợp quy, tiêu chuẩn Châu Âu cho sản phẩm đồ chơi trẻ em.
“Khi có sản phẩm như ý, mình rất tự tin giới thiệu đồ chơi len của Việt Nam thị trường thế giới” – Nga mỉm cười. Ngay lần đầu “chào sân” tại hội chợ ở Nhật Bản, Nga đã dành được nhiều thiện cảm của khách hàng, và hợp đồng trị giá hàng ngàn đô-la đã được ký kết. Thừa thắng xông lên, Nga liên tiếp giành được đơn hàng ở các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc, Singapore… Hiện Wowlen đã có mặt ở hàng chục quốc gia.
Hiệp hội Các nhà sản xuất đồ chơi thế giới đánh giá thị trường hàng hóa cho trẻ em Việt Nam lên tới hơn 5 tỷ USD/năm. Do đó, thị trường đồ chơi trong nước lẫn xuất khẩu đều rất tiềm năng. Nhưng ra sân chơi thế giới chỉ mới là thắng lợi bước đầu. Thành công mà cô gái trẻ này đạt được chính là buộc nước nhập khẩu phải giữ nguyên thương hiệu của Việt Nam trên từng sản phẩm. “Nhiều sản phẩm trong nước muốn xuất khẩu phải “bán mình” cho đơn vị nhập khẩu. Wowlen thì không. Mình rất khó khăn để gầy dựng thương hiệu bên cạnh việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng thì không cớ gì mình đánh mất điều đó chỉ để được xuất hàng đi. Điều quan trọng là bạn đàm phán cách nào, thuyết phục khách hàng ra sao, sản phẩm của bạn có thực sự đúng như những gì bạn nói không… Nói được, làm được là bí quyết của thành công” – Nga nói.
Đỗ Phan Nam Tiến: Khởi nghiệp từ ốc sên
Năm 2010, Đỗ Phan Nam Tiến (SN 1981) lên đường sang Pháp học tiếp ngành luật sau một thời gian tham gia công tác tại Thành Đoàn TPHCM và rèn luyện trong môi trường quân ngũ.
Nơi xứ người, Tiến có dịp thưởng thức món ốc sên bơ tỏi đút lò, món ăn được xem là ngon bậc nhất ở Pháp. Sau lần “tận hưởng” đặc sản tuyệt vời ấy, chàng trai Việt quyết tìm hiểu sâu về thành phần món ăn hảo hạng này.
Trực tiếp tham quan, tìm hiểu tại các trang trại nuôi cấy giống ốc này tại Pháp, cùng với cùng với thông tin vốn khá hạn chế về con ốc Pháp qua sách vở, anh Tiến thấy loài động vật thân mềm này hoàn toàn có thể nuôi được ở Việt Nam. Dự án xây dựng trang trại ốc Pháp được hình thành từ những ngày đó.
Năm 2015, Tiến về Việt Nam xây dựng đội ngũ để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của dự án sau khi đã dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi kỹ lưỡng về con ốc ngay tại nước Pháp. Cùng với đó, anh Tiến cũng kêu gọi các nguồn lực đầu tư vào dự án.
Đỗ Phan Nam Tiến cho biết, con ốc Pháp sống được trong điều kiện nhiệt độ từ 5-250C. Điều đặc biệt là khi đem về Việt Nam, giống ốc này có thể nuôi được 3 lứa/năm, trong khi ở Pháp chỉ nuôi được 1 lứa.
Hiểu rõ được nguy cơ ốc chết đến 80% trong một lứa nuôi nếu không tuân thủ đầy đủ mọi biện pháp kỹ thuật, anh Tiến kiên trì tiếp thu mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất nhằm mục tiêu tối ưu hóa từng bước trong các quy trình kỹ thuật một khi đã vận hành hệ thống trang trại.
Theo tính toán của anh Tiến, khi đã xây dựng trang trại và tiến hành sản xuất, sản lượng dự tính sẽ đạt khoảng 1 tấn/ tháng khi bắt đầu nuôi và tăng lên khoảng 500-700 tấn/ năm vào 2 năm sau đó. Tiến ước tính năng suất có thể đạt trung bình 100 tấn/ ha/ lứa nuôi từ 4 đến 5 tháng. Bước đầu sản phẩm hướng đến 5 món và nâng dần dần lên khoảng 30 món ăn, có thể chế biến tại các nhà hàng Âu, gia đình, món làm sẵn tại siêu thị,...
Khi đó, chỉ riêng việc nuôi, chế biến ốc sẽ thu hút 20 - 30 nhân công là kỹ sư chăn nuôi, trồng trọt và lao động phổ thông.
Trần Thế Quỳnh: Mang ước mơ “chăm sóc sức khỏe”
Từng xuất hiện trên bài viết báo Tiền Phong với ứng dụng Bookcarer - phần mềm ứng dụng đặt lịch khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trên điện thoại thông minh và máy tính bảng, hai chàng trai Trần Thế Quỳnh và Trần Lê Ngân tiếp tục dự án tiếp theo xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử.
Hai chàng trai cùng sinh năm 1990, Quỳnh đến từ Bình Định, còn Ngân là dân xứ dừa Bến Tre. Cả hai cùng tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Đồng Nai vào năm 2011. Ra trường, đôi bạn này cùng theo con đường lập trình, viết phần mềm và các ứng dụng. Quỳnh chia sẻ, những năm đầu ra trường cả hai phải làm thêm từ việc làm quảng cáo trên Google để có kinh phí theo ước mơ viết ứng dụng.
Trong một lần về quê, Quỳnh đưa mẹ đi bệnh viện tỉnh khám bệnh. Dù hai mẹ con đi từ sáng sớm nhưng phải đợi đến trưa mới đến lượt. Quỳnh chứng kiến cảnh nhiều người chờ đợi đến lượt khám, thậm chí có người đi từ 2-3 giờ sáng để bốc số thứ tự. “Cảnh tượng này cứ hiện lên trong đầu mình. Rồi mình nảy sinh ý tưởng tại sao không viết một ứng dụng đặt lịch khám bệnh. Người dân sẽ không phải đi đến tận nơi bốc số thứ tự nữa. Chỉ cần một ứng dụng, họ có thể đặt lịch khám từ xa”, Quỳnh nhớ lại.
Quỳnh lên ý tưởng và chia sẻ với người bạn thân là Ngân. Vậy là cả hai bắt tay vào viết ứng dựng. Gần 2 năm thực hiện ý tưởng táo bạo này, đến tháng 7/2017, Bookcarer ra đời. Ứng dụng này giúp người dùng chỉ cần đăng nhập tài khoản, chọn nơi khám bệnh rồi đặt lịch khám. Họ còn biết cả giá cả và chi phí dịch vụ.
Tuy nhiên, cái khó là kết nối với các phòng khám, bệnh viện để thu thập dữ liệu. Vượt qua khó khăn, đến nay, Quỳnh đã kết nối được với một số phòng khám và trung tâm spa để người dùng có thể lựa chọn, đặt lịch khám.
Không dừng lại ở đó, ước mơ của hai chàng trai này là làm tiếp giai đoạn 2 để xây dựng nền móng hồ sơ bệnh án điện tử, tổ chức các sự kiện thu hút bệnh viện tìm hiểu ứng dụng này để đưa vào sử dụng.
Đến nay, cả hai đã bỏ ra hơn 600 triệu đồng cho dự án Bookcarer. “Nhiều lúc mình cũng muốn bỏ cuộc nhưng vì ước mơ xây dựng một ứng dụng cho công đồng, nhất là trong lĩnh vực y tế nên cả hai cố gắng tiếp tục. Ngày đi làm cho công ty, hai đứa mình còn làm thêm quảng cáo trên Google để có kinh phí duy trì ứng dụng”, Quỳnh chia sẻ.
Quỳnh cho biết, đã từng nhiều lần liên hệ đến các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam và TPHCM nhưng vẫn không thấy hồi âm. Thời gian đầu cả hai cũng có dự định sẽ sang Singapore để tiếp tục ước mơ. Tuy nhiên được gia đình và bạn bè động viên, họ tiếp tục ở lại Việt Nam để thực hiện dự án.
“Cái khó hiện nay là tạo được sự tin tưởng của các bệnh viện để họ liên kết với mình sử dụng ứng dụng này, phục vụ người dân đi khám chữa bệnh. Ngoài ra, dự án của mình cũng muốn đi xa hơn là xây dựng hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử nên cũng cần khá nhiều kinh phí”, Quỳnh trăn trở.
Thực tế, từ khi ứng dụng Boocarer ra đời, cũng đã có vài nhà đầu tư mời gọi sẽ góp vốn nhưng Quỳnh đều từ chối. Theo Quỳnh thì giai đoạn này không muốn đặt vấn đề kinh tế, mà chủ yếu là phục vụ cộng đồng một cách rộng rãi hơn. “Mình muốn cho đi trước rồi nhận lại sau”, Quỳnh nói.
“Nhiều sản phẩm trong nước muốn xuất khẩu phải “bán mình” cho đơn vị nhập khẩu. Wowlen thì không. Mình rất khó khăn để gầy dựng thương hiệu bên cạnh việc tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng thì không cớ gì mình đánh mất điều đó chỉ để được xuất hàng đi.