Kiểm tra toàn bộ các đơn vị sử dụng thiết bị của Bio - Rad
Trong thư Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhiều thông tin các báo trong và ngoài nước đưa tin “Khoảng từ năm 2005 tới cuối 2009, Văn phòng Việt Nam của Bio-Rad đã thanh toán sai trái 2,2 triệu USD cho các đại lý và các nhà phân phối và họ đã chuyển tiếp tiền hoa hồng này cho quan chức chính phủ Việt Nam”.
Theo Bộ trưởng Tiến, để chủ động và tích cực phòng chống nạn tham nhũng theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tại Hoa Kỳ hỗ trợ điều tra làm rõ thông tin để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm. “Trường hợp thông tin nói trên không đúng, đề nghị phía Hoa Kỳ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tránh gây hoang mang cho người dân và đảm bảo niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước nói chung và ngành y tế nói riêng” - thư gửi nêu.
Sáng 6/11, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Phải xác minh tính chính xác của thông tin. Khi cơ quan chức năng xác minh được đúng thông tin thì quan điểm của Bộ Y tế là không bao che, xử lý đúng người, đúng việc theo quy định của pháp luật. Trong quá trình cơ quan điều tra Bộ Y tế sẵn sàng phối hợp trên mọi phương diện để cơ quan điều tra tiến hành làm nhanh chóng, khách quan để có kết luận sớm nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, với những thông tin đã nhận được, Bộ Y tế đã kịp thời có công văn gửi Bộ Công an, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị, bệnh viện trực thuộc bộ, sở y tế chỉ đạo các đơn vị rà soát tất cả trang thiết bị, hóa chất sinh phẩm đã mua trong thời gian từ 2005 đến 2013.
Đại diện một doanh nghiệp phân phối thiết bị y tế, hóa chất cho tập đoàn nước ngoài tại TPHCM thừa nhận rằng, việc chi “hoa hồng” để bán hóa chất hay thiết bị là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị Y tế và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin về vụ đưa hối lộ, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã trao đổi với lãnh đạo Bộ và thanh tra Bộ đề nghị rà soát những đơn vị có sử dụng các mặt hàng của hãng. Nếu đơn vị nào có mua trang thiết bị y tế của hãng này cần liệt kê số lượng, xem xét lại các hợp đồng và hình thức mua bán, so sánh mức giá các mặt hàng để từ đó tìm xem có khuất tất gì không.
Cùng ngày 6/11, Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế có Công văn số 7633/BYT-TB-CT ngày 6/11/2014 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, trong đó đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương rà soát và báo cáo các nội dung cụ thể như sau: Kiểm tra các đơn vị trực thuộc đã sử dụng những mặt hàng của hãng Bio-Rad Laboratories hay chưa? Nếu có, đề nghị liệt kê đầy đủ các mặt hàng đã và đang sử dụng bao gồm cả thiết bị, hóa chất và vật tư tiêu hao từ năm 2005 đến năm 2014 (bao gồm: Tên thiết bị, chủng loại-model, năm sản xuất). Cung cấp đầy đủ thông tin và gửi kèm bản sao các tài liệu về nguồn gốc các mặt hàng (đấu thầu mua sắm, liên doanh liên kết hay nhận viện trợ...) của hãng Bio-Rad Laboratories (Hợp đồng mua bán, tên đơn vị cung cấp sản phẩm, quyết định cho phép đầu tư, mua sắm của đơn vị chủ quản, báo cáo về việc đầu tư, mua sắm và quản lý sử dụng hằng năm) và đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế gửi báo cáo về Bộ Y tế trước 16h30 ngày 12/11/2014 (bằng các hình thức email, fax và công văn).
Ngoài ra, để có số liệu tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ thông tin theo phản ánh trên, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đã đề nghị các đơn vị nhập khẩu, phân phối trang thiết bị y tế hợp tác cung cấp: Danh mục các sản phẩm do hãng Bio-Rad sản xuất mà đơn vị được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất cho phép nhập khẩu và phân phối trên thị trường Việt Nam.
Bio- Rad từng thường xuyên tài trợ cho các cuộc hội thảo có liên quan đến lĩnh vực của họ - trong ảnh năm 2006 Bio- Rad tài trợ chính một buổi hội thảo. Ảnh: L.N.
Nghi vấn cần sớm làm rõ
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Công ty Bio- Rad sản xuất, cung cấp hàng trăm loại hóa chất, thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế thông qua nhiều hãng phân phối lớn của thế giới. Tại Việt Nam, Bio- Rad chọn nhà phân phối chính thức từ một công ty lớn có trụ sở tại Thụy Sỹ, sau đó công ty này kết hợp với các công ty trong nước thầu và bán vào các bệnh viện. “Hầu hết các bệnh viện đều phải dùng hóa chất của Bio- Rad, thậm chí có một số hóa chất công ty này độc quyền sản xuất và phân phối” - một dược sĩ phụ trách khoa dược tại một bệnh viện lớn ở TPHCM nói.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện sử dụng khá nhiều sản phẩm là hóa chất và cả thiết bị xét nghiệm chẩn đoán của Bio- Rad. Trong đó dùng nhiều hóa chất để làm các xét nghiệm chẩn đoán viêm gan hay HIV...”. Có lần Bio - Rad đột ngột cắt cung cấp hóa chất khi bệnh viện đang cần, vì họ là nhà độc quyền sản xuất hóa chất này khiến chúng tôi rất lo lắng” - bác sĩ Sơn kể về công ty này và cho biết thêm: “Hiện các loại hóa chất, thiết bị xét nghiệm sử dụng tại bệnh viện đều thông qua các nhà phân phối tại Việt Nam”.
Ông Sơn nói rằng: “Từ ngày tôi làm giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đến nay chưa bao giờ tôi tiếp xúc với người nào của Bio-Rad. Và việc nhận cái gọi là “hoa hồng” từ các đơn vị trung gian lại không”. “Tôi khẳng định không có dính dáng gì tới Bio- Rad và tôi chịu trách nhiệm về việc phát ngôn này” - ông Sơn nói. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đức Công - Giám đốc BV Thống Nhất cho biết chưa nhận được công văn rà soát thiết bị xét nghiệm và chẩn đoán y tế từ Bộ Y tế. “Chúng tôi phải kiểm tra lại xem có sử dụng sản phẩm của Bio- Rad hay không. Nhưng như tôi được biết thì bệnh viện không dùng thiết bị của công ty này”- bác sĩ Công cho hay.
Mặc dù Bio- Rad đã rút văn phòng tại Việt Nam, song theo tìm hiểu của PV Tiền Phong hiện vẫn có khoảng 20 loại hóa chất do công ty này sản xuất dùng để xét nghiệm bệnh do vi khuẩn, xét nghiệm vi sinh, chẩn đoán hình ảnh... vẫn bán tại Việt Nam, bên cạnh gần 100 các loại thiết bị xét nghiệm, chẩn đoán y khoa dùng trong y tế và ứng dụng trong công nghệ vi sinh.
Từng mua hai chiếc máy xét nghiệm huyết học với giá hơn 50 nghìn USD từ năm 2005 nhưng sau 3 năm sử dụng, bác sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm chẩn đoán Medic ở TPHCM đành cho trùm mền. Theo ông, thương hiệu của Bio - Rad nổi tiếng thời đó nhưng vì độc quyền nên họ chả quan tâm đến vấn đề hậu mãi.
“Khi mua máy xét nghiệm của Bio-Rad, phía chúng tôi đã bị phụ thuộc họ khi đi kèm máy là bộ test kit và hóa chất mà họ độc quyền cung cấp và chỉ được dùng cho máy này”- bác sĩ Hải nói. Cũng ông Hải cho biết để tránh lệ thuộc, Medic đã thay thế máy khác hiện đại và không phải phụ thuộc vào hóa chất và test kit của Bio - Rad.
Đại diện một doanh nghiệp phân phối thiết bị y tế, hóa chất cho tập đoàn nước ngoài tại TPHCM thừa nhận rằng, việc chi “hoa hồng” để bán hóa chất hay thiết bị là “chuyện thường ngày ở huyện”. “Không ít thì nhiều, chúng tôi đều phải chi bằng nhiều hình thức như mời các bác sĩ đi “hội nghị ở Pháp” hoặc đi “đào tạo chuyên môn” ở Mỹ nhưng thực chất là đi du lịch là chủ yếu”- người này nói.