Nghệ thuật cộng yêu thương

Bé Phương Thảo (bìa phải) cùng bạn tập hát tại trường SforA trước sự kiện 2/4 kỷ niệm ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ.
Bé Phương Thảo (bìa phải) cùng bạn tập hát tại trường SforA trước sự kiện 2/4 kỷ niệm ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ.
TP - Nhờ có triển lãm tranh của trẻ tự kỷ Việt Nam trong vài năm liên tiếp gần đây mà cộng đồng quan tâm hơn đến khái niệm nghệ thuật cho trẻ tự kỷ. Âm  nhạc, hội họa, múa cộng với yêu thương là tấm visa giúp người bình thường lọt vào cõi riêng của người tự kỷ. 

Giải mã bằng nhạc họa

Nghệ sĩ viola quốc tế Nguyễn Nguyệt Thu là người có con bị tự kỷ, sau 26 năm bôn ba nước ngoài chị đã trở về mở trường SforA (Sunrise for Arts-Bình minh cho Nghệ thuật). Chị hiểu sâu sắc rằng âm nhạc có thể hàn gắn mọi vết thương và tác động tốt đến những trẻ ít giao tiếp và rối loạn hành vi.

Nguyệt Thu không đồng ý với quan điểm của số đông coi trẻ tự kỷ là “dở hơi” hay “chậm phát triển”. “Trẻ tự kỷ có thế giới riêng và nghĩ thẳng. Chúng ta, những người có tư duy vòng vèo lại gọi thế là ngu”. Khi  không thể xâm nhập cõi riêng của người tự kỷ mọi người kết luận họ bị dở hơi. Đa số cảm thấy phiền trước thế giới mịt mù lệch pha đó. “Bản thân tôi nghĩ các bạn ấy chẳng sao mà chỉ sinh nhầm thế giới. Nghĩ được thế tôi thấy họ đến gần tôi hơn”.

“Trẻ tự kỷ như cái bàn mới nhưng bề bộn. Âm nhạc giúp làm sạch mặt bàn từ đó ta có thể đặt lên bất cứ thứ gì đẹp đẽ”.  

Nguyễn Nguyệt Thu

Ngoài giáo trình cơ bản như “Can thiệp sớm”, học văn hóa, kỹ năng sống, trường SforA chú trọng phương pháp dạy qua trò chơi. Qua nghe nhạc, hát, nhún nhảy theo nhạc, học đàn, chạy thể dục, cắt dán, các bé cởi mở hơn, biết bày tỏ cảm xúc thay vì trước đấy vô cảm và khép kín.

Nghệ thuật cộng yêu thương ảnh 1

Nguyễn Nguyệt Thu.

Gắn bó với trường từ lúc thành lập, cô giáo nhạc họa Triệu Hải Hà chia sẻ, ngày đầu nhập trường chị rất căng thẳng, áp lực vì các bé không cộng tác, la hét, đập đầu, tự cắn tay… Sau 3 tháng các bé đã biết nắm tay nhau, cùng chơi. Các bé vui vẻ ngồi vào đàn, bình an trong tiếng nhạc. “Nhưng phải là nhạc du dương. Trẻ “khác biệt” thích nhất Mozart. Nhạc DJ dậm dật khiến trẻ hoang mang, hoảng loạn”. Các giáo viên đều ấn tượng với trường hợp bé Phương Thảo. Khi mới vào bé đánh piano điêu luyện, biết bốn ngoại ngữ nhưng im lìm giống cỗ máy, tuyệt đối không chịu giao tiếp. Sau 8 tháng tập vận động, học múa, Phương Thảo đã tự tin vui vẻ lên sân khấu hát. Nghe nhạc phiêu là Thảo nhún theo uyển chuyển. Bé còn là vận động viên chạy nhanh trong nhóm nữ của trường.

“Tôi không dạy trẻ múa mà  tương tác cùng trẻ sử dụng chuyển động cơ thể, hướng những chuyển động ấy kết nối với cảm xúc, suy nghĩ”.    

Bùi Tuyết Minh

Đồng tình với quan điểm coi trọng âm nhạc chuyên gia Phạm Thái Liên bày tỏ: “Khi dạy âm nhạc cho các cháu tự kỷ tức là chúng ta cho các cháu tiếp cận với môi trường sống. Môi trường sống bộc lộ qua âm thanh, qua giai điệu và dần dần các cháu tiếp nhận hiện thực cuộc sống mà các cháu cần phải có”.

Nghệ sĩ Nguyệt Thu tiết lộ, sắp tới chị sẽ đưa cả kịch vào chương trình. “Hồi học trường trẻ tự kỷ ở Singapore, con trai tôi từng có những biến chuyển rõ rệt về giao đãi cảm xúc sau đợt tập diễn kịch. Tôi muốn đưa phương pháp này tới học sinh của mình”.

Từ Bình Dương ra Hà Nội góp mặt cuộc trưng bày tranh nhân sự kiện 2/4 (Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ), chị Minh Thảo mang theo con trai Thái An. Tranh của Thái An tươi sáng và siêu thực. Họa sĩ 10 tuổi vẽ rất nhanh, luôn nhìn thấy một lát cắt rất lạ của phong cảnh. Chị Thảo kể con trai bị tự kỷ tăng động nhưng mỗi khi được vẽ tranh bé An lập tức trở nên hiền hòa. Chị Thảo dùng bút màu, giấy hoặc toan để điều chỉnh cảm xúc con. Xem tranh của con, bản thân chị cũng được thư giãn.

Múa trị liệu

Cuối năm 2015 vừa qua, khái niệm Múa/Chuyển động trị liệu đã được chia sẻ với cộng đồng bởi chuyên gia điều phối Bùi Tuyết Minh. Năm năm trước, khi là giáo viên kỹ năng sống tại trường tiểu học quốc tế VIP Hanoi, Tuyết Minh đã có cơ hội áp dụng hình thức nghệ thuật (âm nhạc, chuyển động với tưởng tượng, vẽ, thiền, kịch rối) trong những bài giảng như là phương tiện giúp trẻ biểu đạt một cách chân thực và từ đó bộc lộ cảm xúc cùng suy nghĩ bị che giấu. Tuyết Minh nhận thấy các bé tự kỷ hòa nhập và tương tác khá tốt khi có những hoạt động sử dụng màu sắc, chuyển động cùng âm nhạc hay trí tưởng tượng.

Nghệ thuật cộng yêu thương ảnh 2

Bùi Tuyết Minh.

Trong thời gian du học tại  Mỹ  chuyên ngành Múa/Chuyển động Trị liệu, Tuyết Minh được phân công thực tập tại  Heartsong, làm việc với 4 nhóm trẻ tự kỷ với độ tuổi và mức độ, tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau. “Sau một năm sử dụng âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ và múa/chuyển động để kết nối, các chuyên gia cùng phụ huynh và bản thân tôi đều  thừa nhận sự thay đổi tích cực của từng cháu”.

Bùi Tuyết Minh hy vọng một ngày thật gần, những gia đình có trẻ em tự kỷ và nhóm đối tượng dễ bị tổn tương như người khuyết tật, người bị bạo hành, cô đơn sẽ nhìn ra tầm quan trọng của vận động theo giai điệu.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.