Buổi giao lưu về trẻ tự kỷ của nhóm A4A diễn ra cuối tuần tại địa chỉ 99 đường Hàm Nghi, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) luôn thu hút hàng trăm các bạn trẻ và bậc phụ huynh có con mắc hội chứng này.
“Bạn hiểu về trẻ tự kỷ…, chắc chứ?”
Mở đầu, nhóm trưởng Nguyễn Thị Hạnh Duyên đặt câu hỏi: “Bạn hiểu về trẻ tự kỷ…, chắc chứ?”. Hàng chục cánh tay giơ lên, nhưng tất cả đều nhận lấy sự lắc đầu của người thủ lĩnh. “Từ trước đến nay chúng ta đều nghĩ tự kỷ là một căn bệnh. Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, làm tổn thương đến những người mắc hội chứng này. Trên thực tế, tự kỷ là một hội chứng do cấu trúc não bộ chứ không phải là một bệnh lý”, Hạnh Duyên nói.
Trong buổi trò chuyện kéo dài hơn hai giờ đồng hồ, Hạnh Duyên dành nhiều thời gian nói về những biểu hiện nhận biết trẻ tự kỷ, những câu chuyện cảm động mà cô có cơ hội tiếp xúc nhiều lần với trẻ em mắc chứng tự kỷ tại trường Giáo dục chuyên biệt Bim Bim (TPHCM), cùng tham gia văn nghệ, hội trại với các em tự kỷ tại Hà Nội trước đó. Sau đó, trước nhiều phụ huynh và 250 bạn trẻ, Hạnh Duyên chia sẻ clip “Bạn có nghĩ sẽ thật tuyệt vời nếu trong tương lai chúng ta tìm ra giải pháp giúp trẻ tự kỷ hòa nhập hơn với cộng đồng?” kể về một cậu bé mắc chứng tự kỷ. Cậu bé suốt ngày im lặng, lầm lì, điều này khiến mẹ cậu buồn bã khi ngay cả đứa con trai cũng có khoảng cách với mình. Khi xem clip, những bậc phụ huynh lẳng lặng ngồi ở góc phòng không kìm được nước mắt.
Theo Hạnh Duyên, nhiều phụ huynh có tâm lý ái ngại chia sẻ trực tiếp câu chuyện về con mình, càng khiến tình trạng của con trầm trọng hơn. Vì thế, nhóm lập dự án “Bạn hiểu tự kỷ…, chắc chứ?” để tư vấn, hỗ trợ cho phụ huynh có những cách trị liệu, chăm sóc cho trẻ tự kỷ. Trang facebook thu hút hơn 2.000 lượt theo dõi, mỗi ngày đều có nhiều tin nhắn của phụ huynh và các bạn trẻ trẻ nhờ tư vấn.
Các bậc phụ huynh có con tự kỷ nên mở lòng
Hạnh Duyên đã cùng với các thành viên trong nhóm thiết kế “Bộ kiến thức cơ bản về tự kỷ” rồi chia sẻ trên mạng. Bộ kiến thức lập tức hút hàng trăm lượt chia sẻ, được tổ chức VAN (Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam) chia sẻ trên fanpage mạng lưới.
Nhiều bạn trẻ sau khi tham gia các buổi trò chuyện đã quay lại giúp đỡ nhóm tổ chức các hoạt động hướng đến các em mắc chứng tự kỷ. Như những chương trình về lập ứng dụng game, chia sẻ kiến thức, tư vấn cho những phụ huynh thắc mắc về tự kỷ. Từ những buổi truyền thông, các bạn trẻ đã sẻ chia, yêu thương các em hơn. “Những kiến thức này giúp mình có nhiều thông tin trong ngành học của mình, cũng là để xích lại gần hơn với các em”, bạn Nguyễn Thị Minh Trang (sinh viên ngành Tâm lý học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng), nói.
Trong buổi giao lưu đầu tiên của nhóm, nghệ sỹ viola quốc tế Nguyễn Nguyệt Thu - đại sứ chương trình “Bình minh cho em - Sunrise for U”, chia sẻ: “Những hoạt động của nhóm A4A là những việc làm cần thiết và ý nghĩa để chúng ta hiểu hơn về trẻ tự kỷ, đồng thời kêu gọi cộng đồng dang rộng tình thương, đón nhận các em. Tôi mong các bậc cha mẹ có con tự kỷ nên mở lòng hơn, và tìm cách phù hợp để trẻ có thể hòa nhập cộng đồng”.
Nhóm A4A cho biết, đây là giai đoạn khởi đầu cho các hoạt động trên bước đường hỗ trợ trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Không chỉ khu vực Đà Nẵng, Hà Nội, nhóm tiết lộ sắp tới hoạt động hỗ trợ trẻ tự kỷ lan rộng ra các tỉnh Thừa Thiên - Huế và các thành phố lớn. Ngoài ra, ứng dụng game trên mạng xã hội qua việc xây dựng bản đồ hình thành thói quen mô phỏng những sinh hoạt hằng ngày cho trẻ tự kỷ sẽ được các bạn trẻ áp dụng trong thời gian tới.