Giúp cộng đồng hướng về trẻ tự kỷ

Các hoạt động của nhóm giúp đỡ trẻ tự kỷ
Các hoạt động của nhóm giúp đỡ trẻ tự kỷ
TP - Sau mỗi giờ học, tận dụng dịp hè học sinh nhiều trường THPT ở Hà Nội rủ nhau xây dựng đề án giúp trẻ tự kỷ phát huy khả năng, cũng như tổ chức các hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng có cái nhìn đúng đắn về hội chứng tự kỷ ở trẻ.

Khắt khe tuyển tình nguyện viên

Trần Linh Chi, học sinh lớp 12 chuyên Văn Trường THPT Hà Nội Amrtesdam, người khởi xướng và thành lập Tổ chức H.O.P.E (Hanoi Operation for Public Education) quy tụ được 64 thành viên đa phần là học sinh tại các trường THPT Hà Nội. H.O.P.E ra đời đầu năm 2014 với sự giúp đỡ, hợp sức của các chuyên gia đến từ ĐH Stanford (Hoa Kỳ), nhóm đã bắt tay vào hoạt động với chuyên đề quan tâm đặc biệt đến trẻ tự kỷ.

Chủ đề quan tâm khá mới mẻ nên nhóm rất khắt khe trong việc tuyển tình nguyện viên. “Bạn phải thực sự năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo để có những ý tưởng hay nhưng đòi hỏi số một vẫn là sự kiên trì và yêu con trẻ”, Trần Linh Chi cho hay.

“Để gần gũi, chăm sóc trẻ tự kỷ, bạn phải thực sự năng nổ, nhiệt tình, sáng tạo để có những ý tưởng hay nhưng đòi hỏi số một vẫn là sự kiên trì và yêu con trẻ”.

Trần Linh Chi

Một thành viên trong nhóm tiết lộ, cơ duyên để nhóm quan tâm đến trẻ tự kỷ xuất phát từ một số thành viên trong nhóm có người thân bị tự kỷ. Những câu chuyện chia sẻ khi gặp khó khăn trong giao tiếp, chăm sóc chúng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các thành viên. Và họ quyết tâm bắt tay xây dựng chương trình thiện nguyện từ những ý tưởng đóng góp của các thành viên.

“Lâu nay học sinh các trường tranh thủ thiện nguyện ngoài giờ học thường chỉ tham gia các hoạt động về môi trường, quan tâm về con người khiếm khuyết đang là một vấn đề mới nên ban đầu nhóm khá mù mờ”, Linh Chi chia sẻ.

Cho đến nay, cả nhóm đến Trung tâm bảo trợ trẻ em tàn tật Phúc Tuệ (Hà Nội) ở 2 cơ sở tại quận Long Biên và Phó Đức Chính để làm quen với các em mới thật sự vỡ lẽ. Những gương mặt trong sáng, ngây thơ nhưng rất khó giao tiếp, khó tiếp nhận người lạ. Các tình nguyện viên mang sách, đồ chơi thậm chí cả quà bánh đến để chơi cùng ban đầu đều bị các em phản ứng dữ dội hoặc không quan tâm gì cả.

Danh Tín, hiện là du học sinh tại Mỹ, cựu học sinh Trường Hà Nội Amrtesdam chia sẻ: “Với những kiến thức mơ hồ về tự kỷ, khi chứng kiến những em nhỏ giận dữ xé áo quần, tự đấm vào mặt mình hay túm tóc cả tình nguyện viên, mình cũng hốt hoảng”.

Sau đó, các thành viên tìm hiểu các tài liệu, xin ý kiến chuyên gia chia sẻ kỹ năng, trên hết là sự kiên nhẫn để có phương pháp tập làm quen với bọn trẻ. Phải mất nửa tháng, một số bạn mới chịu cởi mở khi có sự xuất hiện của các tình nguyện viên.

Với sự kiên trì, ngày nào các bạn trẻ cũng đến làm quen, chơi với các em. Dần dà, các em chịu ngồi nghe tình nguyện viên đọc sách, dạy chữ và hòa vào các trò chơi do anh chị tổ chức. Một số trẻ tỏ ra say mê, hào hứng khi được hướng dẫn vẽ tranh, nghe đàn hát...

Giúp cộng đồng đổi thay nhận thức về tự kỷ

Tổng kết đánh giá, các tình nguyện viên hiểu ra, không chỉ các em cũng có sự thay đổi trong giao tiếp mà chính các tình nguyện viên có sự thay đổi lớn trong nhận thức.

Nếu trước đây, các bạn nghĩ tự kỷ là bệnh khó chữa thì khi tiếp xúc với các em, các bạn nhận ra các em tự kỷ gặp khó khăn về giao tiếp nhưng không có nghĩa là các em không có khả năng, sở trường. Khi đã hướng các em quan tâm vào một vấn đề gì các em có sự tập trung cao độ. Điều này giúp trẻ thành công nếu cha mẹ phát hiện ra sở trường của trẻ.

Theo các chuyên gia sức khỏe, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đang tăng mạnh nhiều năm qua. Các chuyên gia sức khỏe nhận định, trẻ tự kỷ thực sự là vấn đề “tảng băng chìm” cần được phát hiện và đưa đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay, cộng đồng vẫn chưa có cái nhìn đúng đắn vào trẻ tự kỷ. Theo Linh Chi, từ khi thành lập, H.O.P.E liên tục tổ chức các hoạt động bao gồm: quan tâm, tiếp cận, chăm sóc trẻ tự kỷ và các hoạt động kết nối cộng đồng, gây quỹ.

Tháng 3/2014, hơn 60 thành viên của nhóm đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm phát phiếu thăm dò hiểu biết, quan điểm của người dân về hội chứng tự kỷ. Kết quả thu về rất đáng ngại, trẻ tự kỷ ít nhận được sự quan tâm của cộng đồng; khi biết có người thân bị mắc bệnh tự kỷ đa số phụ huynh tỏ rõ sự thất vọng.

Kết quả đó đã thúc giục nhóm có nhiều hoạt động hơn nữa trong việc tuyên truyền kiến thức về tự kỷ tới cộng đồng như các hoạt động triển lãm, hội chợ… Gần đây nhất, nhóm đã tổ chức hội chợ, đêm nhạc gây quỹ từ thiện thu hút được nhiều ông bố, bà mẹ có con tự kỷ đến để chia sẻ kinh nghiệm.

Trong chương trình ấy, nhóm đã thuyết phục được gia đình của Nem, một trẻ tự kỷ khá thành công trong hội họa mang những bức tranh của mình đi triển lãm. Nem tên thật là Hà Đình Chí ở quận Tây Hồ (Hà Nội) sau khi được phát hiện mắc chứng tự kỷ gia đình đã tập trung chăm sóc và phát hiện ra Nem có khả năng vẽ. Những bức tranh của Nem đã được đem đi triển lãm ở nhiều nơi.

Các thành viên trong nhóm đã minh chứng cho cộng đồng thấy rằng, trẻ tự kỷ cũng có những khả năng nhất định. Gia đình, xã hội cần có cái nhìn, thái độ đúng đắn và sự quan tâm để phát huy khả năng đó.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.