Đó đơn giản là các nhân viên kỹ thuật cáp treo đang nhặt rác giữ rừng xanh. Để nhặt rác trong rừng, trên núi, các chàng trai này sẽ đánh đu từ cáp treo, tụt dần xuống thu gom rác mà du khách xả xuống các vách đá, chân thác, trên ngọn cây...
Khi được hỏi về việc tại sao lại có “nghề tay trái” độc đáo thế này dành cho nhân viên kỹ thuật cáp treo, anh Tạ Duy Quỳnh - nhân viên bảo dưỡng cáp treo - trả lời ngắn gọn và đầy hóm hỉnh: “Do bệnh nghề nghiệp”.
Đối với nhân viên kỹ thuật, sự cẩn thận, cầu toàn trong từng chi tiết đã trở thành tính cách đặc trưng của các anh, nên chỉ một chiếc túi nilon của du khách vứt trên đường lên đỉnh núi Bà Nà cũng cần phải được thu gom gấp.
Tuy nhiên do địa hình núi rừng hiểm trở, nhiều vị trí phức tạp không thể đi đường bộ, lại thêm gió thổi làm rác bị bay lên các lùm cây, khe suối nên phương án nhặt rác có một không hai này được nhân viên kỹ thuật áp dụng. Các anh nói vui với nhau, đây là công việc "độc đáo nhất thế giới".
“Mỗi lần đu dây cáp giữa cánh rừng nguyên sinh tôi có cảm giác như đang trải nghiệm môn thể thao mạo hiểm đầy thú vị”, anh Bùi Văn Thắng - nhân viên bảo dưỡng cáp treo - chia sẻ.
Công việc không dành cho người yếu tim và sợ độ cao
Anh Lê Phước Dũng - Tổ trưởng bảo dưỡng cáp treo - còn khẳng định: “Nếu tham dự cuộc thi về đu dây trên không, nhất định tổ chúng tôi sẽ giật giải”. Chúng tôi hiểu rằng đó chỉ là cách nhìn lạc quan của các anh để quên đi những khó khăn, vất vả và nguy hiểm trong công việc "có một không hai" của mình.
Các anh cần mẫn vượt qua những tảng đá trơn trượt, men theo khe đá, luồn lách sâu vào cánh rừng rậm để nhặt từng mẩu rác. Những ngày sương mù hay vào mùa đông, việc nhặt rác trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngoài thời tiết bất lợi, họ còn phải đối mặt với rắn, vắt và các loài côn trùng độc khác.
Thế nhưng chỉ với cây sào dài chừng 3m, chiếc túi đeo bên hông, bộ đàm và đồ bảo hộ, dấu chân của các anh đã in khắp cánh rừng.