Ngày đẫm máu ở Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
Khói lửa bốc lên từ Tòa tháp al - Jala, nơi đặt văn phòng AP và Al-Jazeera khi tòa nhà này bị trúng không kích của Israel tại Dải Gaza. Ảnh: AP
Khói lửa bốc lên từ Tòa tháp al - Jala, nơi đặt văn phòng AP và Al-Jazeera khi tòa nhà này bị trúng không kích của Israel tại Dải Gaza. Ảnh: AP
TP - Các cuộc không kích của Israel san phẳng 3 tòa nhà và giết chết ít nhất 26 người trong ngày 15/5, ngày đẫm máu nhất ở Dải Gaza trong đợt xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas bùng lên cách đây 1 tuần.

Cơ quan y tế Gaza cho biết, 10 phụ nữ và 8 trẻ em nằm trong số người thiệt mạng hôm qua, bên cạnh đó còn có 50 người bị thương. Quân đội Israel cho biết, đã phá hủy nhà của lãnh đạo cấp cao Hamas ở Gaza, ông Yahiyeh Sinwar, trong một đợt tấn công vào thị trấn Khan Younis ở phía nam. Đây là đợt tấn công thứ ba trong vòng 2 ngày nhằm vào nhà của các lãnh đạo cấp cao Hamas. Nhưng các thủ lĩnh cấp cao của Hamas đã vào nơi trú ẩn, và không có khả năng họ có mặt ở nhà khi Israel tấn công. Lãnh đạo cấp cao nhất của Hamas là Ismail Haniyeh thường di chuyển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, hai quốc gia đang hỗ trợ chính trị cho lực lượng này.

Kể từ 10/5, ít nhất 181 người Palestine đã bị giết hại ở Dải Gaza, trong đó có 52 trẻ em và 31 phụ nữ, cùng với 1.225 người bị thương. Israel có 8 người thiệt mạng, trong đó có một bé trai 5 tuổi và một lính. Hamas và nhóm thánh chiến Hồi giáo nói rằng 20 tay súng của họ đã thiệt mạng từ khi đợt xung đột nổ ra.

Hamas và các nhóm quân sự khác đã bắn khoảng 2.900 rốc-két vào Israel. Quân đội Israel nói rằng 450 quả rốc-két trong số đó đã rơi hoặc bắn nhầm, trong khi quân Israel đánh chặn được 1.150 quả. Israel khẳng định họ đánh chặn được 90% số rốc-két của đối thủ. Trong khi đó, quân đội Israel thực hiện hàng trăm cuộc không kích vào Dải Gaza nghèo khó, nơi hơn 2 triệu người Palestine đang sinh sống dưới sự phong toả của Israel và Ai Cập từ khi Hamas giành quyền kiểm soát vùng đất này từ các lực lượng Palestine đối thủ năm 2007.

Israel đã san phẳng nhiều tòa nhà cao tầng văn phòng và chung cư ở Dải Gaza, cho rằng những tòa nhà đó chứa người của Hamas. Ngày 15/5, Israel đánh bom toà nhà 12 tầng al-Jalaa, nơi đặt văn phòng của hãng tin AP của Mỹ, mạng tin tức Al-Jazeera của Qatar và các cơ quan báo chí khác, cùng với nhiều căn hộ chung cư.

“Chiến dịch sẽ tiếp tục khi nào còn cần thiết”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố. Ông cho rằng tình báo quân sự của Hamas hoạt động bên trong tòa nhà này. Israel thường dẫn lý do là sự hiện diện của Hamas để thực hiện nhiều cuộc không kích, kể cả vào khu chung cư. Quân đội Israel cũng cáo buộc Hamas dùng các nhà báo làm lá chắn sống, nhưng không đưa ra bằng chứng nào để chứng minh điều này.

AP đã đặt văn phòng ở tòa al-Jalaa suốt 15 năm, trải qua 3 cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas. Trong những cuộc xung đột trước đây và hiện nay, các máy quay của AP trên nóc và tầng thượng của tòa nhà đã cung cấp hình ảnh trực tiếp về các đợt bắn rốc-két của Hamas sang Israel và những cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza.

“Chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy Hamas ở trong tòa nhà. Chúng tôi không bao giờ để các nhà báo của chúng tôi gặp rủi ro”, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc AP Gary Pruitt nói trong tuyên bố đưa ra hôm qua. “Thế giới sẽ biết ít hơn về những gì đang xảy ra ở Gaza sau những điều xảy ra hôm nay. Chúng tôi rất sốc và cảm thấy kinh hoàng”, ông Pruitt nói.

Nỗ lực hòa giải

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp trong ngày 16/5 để bàn về giải pháp. Một nhà ngoại giao Mỹ đang ở Trung Đông để nỗ lực giúp tình hình xuống thang.

Một nhà ngoại giao Ai Cập giấu tên nói với AP rằng Cairo đang nỗ lực dàn xếp để chấm dứt xung đột. Nhà ngoại giao nói rằng việc phá hủy năng lực rốc-két của Hamas sẽ cần một cuộc tấn công trên bộ. Điều này nếu xảy ra sẽ khiến xung đột bao trùm toàn bộ khu vực. Dù đã có thỏa thuận hòa bình với Israel từ nhiều năm trước, Ai Cập doạ sẽ đình chỉ hợp tác với nước này trong nhiều lĩnh vực, nhà ngoại giao cho biết.

Hôm qua, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 thành viên tổ chức họp khẩn để bàn về cuộc xung đột. Dù OIC vẫn giữ quan điểm rằng người Palestine xứng đáng có một nhà nước độc lập, nhưng việc Israel gần đây ký thỏa thuận ngoại giao với một số quốc gia trong tổ chức và lo ngại ở một số quốc gia về Hamas khiến OIC lần này phản ứng có phần lặng lẽ hơn so với những sự kiện tương tự trước đây.

Ngay đầu cuộc họp, Ngoại trưởng Palestine Riad Malki của Chính quyền Palestine lên án điều ông gọi là “những hành động hèn nhát” của Israel.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra quan điểm đanh thép tương tự. “Israel phải chịu trách nhiệm về sự leo thang gần đây ở Đông Jerusalem, Bờ Tây và Gaza. Cảnh cáo của chúng ta gửi đến Israel từ tuần trước đã không được đếm xỉa”, ông Cavusoglu nói.

Tại Qatar, hàng trăm người xuống đường tối 15/5 để nghe lãnh đạo Hamas Haniyeh phát biểu. “Phản kháng sẽ không dừng lại. Phản kháng là con đường ngắn nhất để dẫn đến Jerusalem”, ông nói, đồng thời tuyên bố Palestine sẽ không chấp nhận điều gì khác ngoài một nhà nước Palestine với Jerusalem là thủ đô.

MỚI - NÓNG