Tất nhiên là đối với những người bình thường khác, không cho sử dụng máy tính bảng, smartphone để vào Facebook nữa, thì thôi. Nhưng với cậu học sinh này thì khác, vì nghiện "phây" rồi, bị không cho chơi Facebook giống như bị "cắt cơn" đột ngột, dẫn đến tình trạng thu mình và lên cơn co giật thường xuyên.
Thật tình cờ cũng vừa mới đây, tài khoản Facebook "Icon Molvizar Collamar" của một người phụ nữ Philippines tên Maricoh đã chia sẻ câu chuyện về chính đứa con gái 6 tuổi của cô. Maricoh vì bận buôn bán kinh doanh nên trong dịp hè này để con gái một mình với chiếc iPad mà không có người giúp việc chăm sóc.
Và tất nhiên, khi chỉ có iPad là thú vui thì bé gái con chị nghịch, chơi suốt dịp hè với thời lượng khoảng 10 giờ/ngày. Kết quả là chị phải đưa con vào bệnh viện vì bé lên những cơn co giật như động kinh. Các bác sĩ đã chẩn đoán bé gái bị rối loạn trí não, động kinh cục bộ và có thể bị liệt tạm thời, nguyên nhân có liên quan tới việc sử dụng iPad quá nhiều.
Hai câu chuyện cùng có nhiều điểm chung: Người dùng thiết bị di động (máy tính bảng, smartphone…) đều đang tuổi thiếu nhi, thiếu niên, đang tuổi hình thành nhân cách, thiếu bản lĩnh và rất dễ bị cám dỗ, nghiện ngập; sử dụng thiết bị di động trong thời gian liên tục, kéo dài (khoảng 10 giờ/ngày); bị chứng co giật và tâm thần bất ổn…
Theo một nghiên cứu của SuperAwesome (Anh) khảo sát trên 1.800 trẻ em ở các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, thì có đến 87% trẻ từ 6-14 tuổi sử dụng smartphone, máy tính bảng chủ yếu để chơi game, chơi mạng xã hội, xem YouTube…, cho thấy khả năng bị "ngáo Facebook", nghiện thiết bị di động là rất cao, đặc biệt khi có đến hơn một nửa trong tỉ lệ trên được sở hữu một thiết bị di động riêng – nghĩa là không bị, hoặc ít bị bố/mẹ, người thân giám sát, kiểm soát việc sử dụng.
Chúng ta đã biết rằng, chơi game cũng dễ nghiện, chơi "phây" thì dễ bị "ngáo", không rời xa được máy tính bảng hay smartphone mà ngập đầu chúi mắt với YouTube thì đầy cạm bẫy với nội dung xấu độc…, thì chẳng khác nào là những đường dẫn đến các "sát thủ" đối với sức khỏe, tâm hồn, nhận thức của các em.
Trên thực tế chứng nghiện "phây" cũng từng được cảnh báo như nghiện game, nghiện internet hay thiết bị di động, dễ tác động đến tâm thần người dùng, trẻ sử dụng lâu bị nghiện dễ sống thu mình trong thế giới ảo, dễ bị ảo tưởng, trầm cảm, tự kỉ, thậm chí dẫn đến tình trạng chậm biết nói đối với trẻ từ 6-24 tháng tuổi.v.v…
Còn tình trạng do nghiện game, "ngáo phây" hay các thiết bị di động mà bỏ bê ăn học dẫn đến tình trạng lười học, học hành sa sút thì lâu nay đã quá phổ biến. Những hệ lụy của chứng nghiện "phây" hay ôm ngủ mộng mị với thiết bị di động thật ra còn tác động rộng lớn hơn nhiều, có thể làm tan vỡ những bữa cơm, không khí sinh hoạt đầm ấm gia đình.
Những chứng nghiện ngập này mới chỉ được gióng hồi chuông cảnh báo đối với trẻ em thành thị. Tuy nhiên các gia đình, những người lớn và phụ huynh ở nông thôn cũng cần biết rằng, hiện nay tỉ lệ sử dụng mạng xã hội tại khu vực nông thôn Việt Nam theo thống kê chỉ kém hơn khu vực thành thị 1 triệu người, đạt 22,5 triệu người dùng. Mà trẻ em nông thôn còn dễ bị cuốn hút hơn trẻ em thành thị với những thiết bị công nghệ, nội dung truyền thông số và mạng xã hội.
Theo các bác sĩ của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai thì hiện những chứng nghiện ngáo game, Facebook hay internet… không có thuốc chữa đặc trị, mà chủ yếu sử dụng các trị liệu về tâm lí và điều trị các triệu chứng tâm thần, cùng với việc giáo dục một lối sống lành mạnh không sa đà quá độ vào bất cứ loại hình giải trí hay mạng xã hội.
"Kể tội" mang xã hội, internet hay các thiết bị di động là vì chúng ta đang nhìn từ góc cảnh báo, tác hại thông qua tiêu điểm là một số trường hợp bị nghiện, bị đưa đi cấp cứu. Trên thực tế, tác hại hay tác dụng tích cực hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng. Trẻ em thì dễ bị trôi theo những cơn say mê không biết dừng lại, chính vì thế người lớn phải giữ vai trò là "cái phanh" để giúp trẻ không sa đà, biết điểm dừng, để tránh các hệ lụy và tác hại về mọi mặt.
Internet, mạng xã hội, game hay các thiết bị di động không phải là "sát thủ". Nhưng chúng sẽ trở thành những "sát thủ" nếu cứ để các em sử dụng một cách thả ga thiếu sự giám sát, kiểm soát. Chúng sẽ trở thành những "sát thủ" một khi các bậc phụ huynh chỉ biết chiều chuộng, vỗ vễ con em mình bằng việc cứ quăng cho chúng chiếc smartphone hay máy tính bảng kết nối internet là coi như "xong nợ" để rảnh rỗi tán gẫu với bạn bè, lo toan công việc hoặc lao vào kiếm tiền.v.v…