Không chấp nhận thanh toán
Trước sự việc đầu tháng 11/2017, ĐH FPT dự kiến cho phép thu học phí bằng đồng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài đang học tại trường, NHNN khẳng định không cho phép, công nhận Bitcoin như một loại tiền tệ. “Nếu đơn vị nào cố tình dùng Bitcoin sẽ vi phạm quy định về thanh toán tiền tệ . Từ 1/1/2018, theo Bộ Luật hình sự, việc sử dụng thanh toán bằng Bitcoin có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 200 triệu đồng; chưa kể nặng hơn có thể xử lý vi phạm hình sự”, NHNN nêu rõ.
Kế tiếp, tại phiên trả lời chất vấn đại biểu quốc hội (16/11/2017), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, Bitcoin không phải là đồng tiền hợp lệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Cụ thể khi đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, Bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác đang trở thành vấn đề nóng trong giới tài chính và hoạt động mua bán diễn ra nhộn nhịp, liệu NHNN có đồng ý cho một số công ty về công nghệ thí điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển phần mềm kinh doanh đồng tiền ảo này?
Thống đống NHNN Lê Minh Hưng cho hay: Bitcoin là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà nhiều quốc gia đang nghiên cứu để có biện pháp điều chỉnh. Qua nghiên cứu, một số nước hiện cấm tuyệt đối giao dịch; một số không thừa nhận đây là phương tiện thanh toán và khuyến cáo rủi ro; chỉ có một số ít nước khuyến khích đồng tiền này.
Ông Lê Minh Hưng cũng nói quan điểm của NHNN Việt Nam dựa trên các quy định pháp luật hiện hành Bitcoin không phải là đồng tiền hợp lệ và phương tiện thanh toán hợp pháp.
Dù vậy, trong xu thế phát triển của Bitcoin hiện nay, ông Hưng cũng cho rằng, cần có khuôn khổ pháp lý phù hợp để quản lý tiền ảo. Chính phủ đã có chỉ đạo giao cho các bộ ngành nghiên cứu đề án về vấn đề này. Hiện, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp cùng các bộ ngành có liên quan.
Cấm hẳn hay kiểm soát?
Tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo”. Theo Đề án, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì và phối hợp với một số bộ, ban ngành như NHNN, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... rà soát lại khung pháp lý hiện tại và đánh giá toàn diện về thực trạng nhằm đề xuất Chính phủ có hướng xử lý cũng như sửa đổi pháp luật về tiền điện tử cho phù hợp.
Đề án nêu rõ báo cáo đánh giá thực trạng để sửa đổi khung pháp lý cần hoàn thành trước tháng 8/2018 và đến cuối năm 2018 phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Đồng thời, đến tháng 6/2019 cần xong hồ sơ đề nghị xây dựng khung pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Ngoài ra, những đề xuất để phòng, chống xử lý các vi phạm liên quan đến loại hình tiền tệ này cũng được Chính phủ giao hoàn thành trước tháng 9/2019.
Trên thực tế, đang tồn tại những vấn đề của tiền ảo mà hoạt động quản lý rất khó đụng đến. Hiện chưa có khái niệm rõ ràng về mặt pháp lý rằng Bitcoin là “tiền” hay “hàng”. Trong khi đó, các sàn giao dịch Bitcoin tại Việt Nam vẫn đang nở rộ và giao dịch ngầm sôi động. Một chuyên gia am hiểu về Bitcoin thừa nhận: Nếu để vỡ trận, hệ lụy đồng tiền ảo này mang lại còn kinh khủng hơn gấp hàng chục lần so với đánh vàng trên tài khoản. Còn chuyên gia khác thì nhận xét: “Thị trường tiền ảo đang tồn tại những hình thức lừa đảo, biến tướng như đa cấp. Tại đó, nguy hiểm nhất là giới trẻ, trong đó có cả sinh viên, bỏ phần lớn thời gian để “cày”, sao nhãng học hành, khi thua lỗ lâm vào nợ đầm đìa.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/12, một đại diện làm trong lĩnh vực an ninh tiền tệ (Bộ Công an) khẳng định: Bitcoin là công cụ tài chính hay hàng hoá hiện chưa ai kết luận. Trong lúc các cơ quan chức năng được Thủ tướng giao nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất, tốt nhất là vấn đề pháp luật cấm thì đừng có làm. Theo ông, hiện NHNN đã tuyên bố rất rõ việc không chấp nhận Bitcoin như một loại tiền tệ và cảnh báo rủi ro. Cho nên người dân đừng có lao vào kẻo rồi mất tiền oan đặc biệt khi xuất hiện các hình thức biến tướng huy động vốn để chơi Bitcoin…” Nếu xảy ra mất tiền người dân phải tự chịu mà không được pháp luật bảo vệ.”, ông này khẳng định.