Đơn hàng giảm
Tại toạ đàm "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” ngày 22/6, các khách mời tham dự đều khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với trên 97%, sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể trong tổng GDP hàng năm. Đây cũng là thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng đáng kể của kinh tế Việt Nam, đối tượng doanh nghiệp có mặt ở tất cả các vùng miền, tỉnh thành, tận dụng lực lượng lao động tại chỗ.
Sau thời kỳ khó khăn bởi dịch COVID-19, bước vào giai đoạn cần tăng trưởng để phục hồi kinh tế, phát sinh điểm nghẽn về vốn.
Chia sẻ về chuyện này, ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách Tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - cho biết, Agribank chủ động tiếp cận với khách hàng để cho vay.
"Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ mà Agribank tìm hiểu thì tạm ngừng hoạt động hoặc cầm chừng. Có doanh nghiệp đơn hàng giảm hơn 50%, thậm chí không còn đơn hàng" - ông Bách nói.
Theo ông Bách, trong tệp khách hàng này có khoảng hơn 10% doanh nghiệp mà ngân hàng đem vốn đến mời chào nhưng lại không có nhu cầu vay. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng của Agribank từ đầu năm đến nay thấp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022. |
Ông Bách cho biết thêm, để kích cầu khách hàng, ngân hàng áp dụng giảm 0,5% lãi suất. Thậm chí có những gói vay thấp hơn lãi suất đầu vào để duy trì khách hàng. Trong quá trình đầu tư vốn cho doanh nghiệp, có rất nhiều doanh nghiệp được Agribank cho vay không có tài sản bảo đảm hoặc có một phần đảm bảo còn phần còn lại không. Theo đó, ngân hàng cho vay dựa trên cơ sở xếp hạng khách hàng với việc tuân thủ không hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng và đảm bảo an toàn vốn.
Còn ông Ngô Bình Nguyên - Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - cho rằng, nút thắt việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ là phương án kinh doanh hiệu quả.
Theo ông Nguyên, doanh nghiệp phải có phương án tài chính, mô hình kinh doanh để mà phát triển được các sản phẩm, dịch vụ để đem lại được doanh thu, lợi nhuận.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng và ngồi xuống để nhìn vào thực tế phương án kinh doanh với cả những khách hàng có tình hình tài chính vướng mắc. Theo đó, ngân hàng nhìn xem phương án kinh doanh hiệu quả hay không để đồng hành cung cấp vốn”, ông Nguyên nói.
Tín dụng tăng trưởng thấp vì đâu?
Ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế chậm hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, tín dụng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa kịp tăng trưởng khoảng 3%.
Ông Quý phân tích, tăng trưởng tín dụng còn thấp so với kỳ vọng do cầu tín dụng giảm và khả năng hấp thụ vốn nền kinh tế khó khăn. Cụ thể, trong bối cảnh doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi diễn biến khó khăn, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn của nền kinh tế thế giới. Trong nước, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị suy giảm cả về kết quả kinh doanh cũng như hiệu quả hoạt động, khiến hoạt động tín dụng giảm tương ứng.
Từ đầu năm đến nay, các bất ổn về kinh tế chính trị xã hội trên thế giới dẫn đến lạm phát các nước duy trì mức cao. Trong thời gian vừa qua, sụt giảm kinh tế gây áp lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thiếu đơn hàng, đặc biệt các doanh nghiệp về dệt may, da giày, công nghiệp hỗ trợ, chế biến gỗ, thực phẩm xuất khẩu… dẫn đến nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, buộc rút lui khỏi thị trường.
Các doanh nghiệp cũng phải đối mặt chi phí sản xuất tăng cao, khiến hoạt động càng thua lỗ, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải hoãn, dừng, chuyển đổi để đối phó khó khăn trước mắt.
Theo ông Quý, để việc tiếp cận vốn trở nên thông thoáng hơn, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh và điều chỉnh lại phương án kinh doanh. Vì hiện nay, phương án kinh doanh của doanh nghiệp rất yếu, phương án kinh doanh mới dường như không có nên ngân hàng không có cơ sở để cho vay mới. Các ngân hàng khó cho vay mạo hiểm.