Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chia sẻ từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 3 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-1,5%/năm trong tháng 3, tháng 4 và 5.
Theo lãnh đạo NHNN, việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Điều này làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN tiếp tục các giải pháp để ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp (ảnh; Như Ý). |
Ông Hà cũng khẳng định NHNN là một trong những Ngân hàng Trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm 2023.
"NHNN khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong tháng 2 và tháng 5", Phó Thống đốc nói.
Phó Thống đốc cho biết thêm, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các Ngân hàng thương mại ở mức 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân Việt Nam đồng phát sinh mới của các ngân hàng thương mại khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022).
"Nếu các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chấp nhận được thì nền kinh tế sẽ tốt lên. Nếu ngân hàng hoãn, giãn nợ, ngân hàng nới lỏng điều kiện tín dụng, khó khăn sẽ chuyển về phía ngân hàng, gây nguy cơ rủi ro mất an toàn hệ thống", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà thông tin.
Vì vậy, ông Hà cho rằng nhiệm vụ của NHNN tìm được điểm hài hoà để vừa hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong điều hành chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”.
Theo báo cáo của NHNN, những tháng đầu năm, kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng. Theo số liệu 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77.000 đơn vị, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Các điều kiện kinh doanh tiếp tục bị thu hẹp khi chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã quay đầu giảm từ mức 47,7 trong tháng 3 xuống 46,7 trong tháng 4 vừa qua, đánh dấu tháng thứ 5 dưới mốc 50 trong 6 tháng gần đây.