Vì sao 4 lần hạ lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng vẫn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan cả từ doanh nghiệp và ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước có biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Tại cuộc họp báo thông tin kết quả 6 tháng đầu năm của NHNN, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết chưa bao giờ điều hành chính sách của NHNN lại khó khăn như hiện nay.

“Chúng tôi thấy doanh nghiệp rất khó khăn. Hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp giảm bớt công nhân, lao động trong khi giá nhiều mặt hàng tăng… Sức mua, sức cầu cả thế giới và trong nước cũng đang giảm”, ông Tú nói. Ông cho rằng, những điều này đã tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ.

Vì sao 4 lần hạ lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp? ảnh 1

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ thông tin hoạt động của ngành ngân hàng tại cuộc họp báo.

Ông Tú cho biết, nếu như cả năm 2022, NHNN tăng 2 lần lãi suất điều hành thì sang năm 2023 đã điều hành giảm 4 lần. Cụ thể, từ tháng 3/2023, sau khi nhận thấy dấu hiệu tích cực kinh tế, NHNN nhanh chóng giảm lãi suất. Gần đây, ngày 16/6, lần thứ 4, NHNN giảm lãi suất điều hành. Đó là những biện pháp cụ thể, trực tiếp để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay.

Theo ông Tú, tính đến ngày 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

“3,36% chưa phải tín dụng tăng nhanh. Nhưng không phải vì thế ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng hạ chuẩn tín dụng, ném tiền ra vô đối. Tăng trưởng tín dụng vẫn đảm bảo an toàn và hiệu quả tín dụng”, Phó Thống đốc khẳng định.

Ông Tú cho biết, trước nguồn vốn thị trường đang khó khăn như: trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chưa khôi phục nhanh và còn đang khó khăn. Vì vậy, trách nhiệm cung ứng nguồn vốn của ngân hàng càng nặng nề.

“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn tiền cho vay nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng cũng mong như vậy, Nhưng để giải quyết vấn đề này phải hài hoà và tạo sự cân bằng giữa khả năng vay và hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Điểm cân bằng này là vai trò của nhà nước”, lãnh đạo NHNN nói.

Theo lãnh đạo NHNN, một số doanh nghiệp kỳ vọng hơn nữa về giảm lãi suất và làm thế nào giải quyết tích cực hơn. Đây nhiệm vụ được xác định trong 6 tháng tiếp theo của NHNN.

Theo Phó Thống đốc, khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế của ngành ngân hàng đầy đủ và sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề hấp thụ vốn chậm bởi cả tính khách quan và chủ quan của cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Trước những thắc mắc liên quan đến việc lãi suất cho vay vẫn còn cao, Phó Thống đốc cho rằng, khi giảm lãi suất điều hành phải có độ trễ nhưng trong điều kiện khó khăn của doanh nghiệp, ngân hàng phải làm sao đẩy nhanh hơn. Đây là mong muốn của cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đang lúc khó khăn, các ngân hàng nên chia sẻ, lấy khoản này bù khoản khác cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, để tăng nhu cầu vay vốn cho khách hàng, Phó Thống đốc chỉ đạo phải tiếp tục mở rộng cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, luôn đảm bảo nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng.

“Hạ chuẩn sẽ đi cùng rủi ro, nợ xấu. Nếu không giữ chuẩn tín dụng nợ xấu sẽ tăng cao. Hiện nợ xấu bắt đầu nhen nhóm ở một số ngân hàng. Trong nội bảng chưa cao nhưng nợ tiềm ẩn, nguy cơ ở một số ngân hàng có biểu hiện. Câu chuyện nợ xấu luôn được đặt ra để kiểm soát an toàn”, ông Tú nói.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ có đoàn công tác đi nắm hình tại các ngân hàng, ngoài quy định chuẩn của ngân hàng ra thì có quy định gì nhiều không? "Nếu quy định chuẩn tín dụng thì chúng tôi chấp nhận, có quy định phi lý phải bỏ ngay. Doanh nghiệp vay vốn phải chứng minh vay làm gì? Vay phải có điều kiện năng lực tài chính… Đây là những quy định cứng”, ông Tú nói.

Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.