Ngày 19/6 là thời điểm chốt áp dụng lãi suất huy động dưới 6 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, các ngân hàng đã “mạnh tay” giảm lãi suất tiết kiệm. Nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn điều chỉnh mạnh tay nhất lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng với khách hàng cá nhân. Cụ thể, BIDV giảm 0,4% kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,1%/năm; kỳ hạn 3- 5 tháng còn 4,6%/năm; giữ nguyên mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng 6,8%/năm.
Vietcombank cũng giảm 0,4% kỳ hạn dưới 6 tháng. Cụ thể, tại kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,1%/năm; 3 tháng còn 4,6%/năm; 12 tháng giữ nguyên 6,8%/năm. Tương tự, Viettinbank giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng còn 4,1%/năm; 3-5 tháng 4,6%/năm; và giữ nguyên 12 tháng 6,8%/năm.
Ngoài ra, các ngân hàng còn điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn trên 6 tháng. Cụ thể, PVcombank giảm mạnh 0,5% các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Kỳ hạn 6 tháng còn 7%/năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, từ đầu năm 2023 tới nay, Vietcombank đã triển khai 2 chương trình giảm lãi suất. Một chương trình kết thúc vào 30/4 và sau đó thấy rằng tình hình khó khăn Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất từ ngày 1/5 đến 30/7.
Chỉ tính riêng 2 đợt giảm lãi suất với dư nợ hiện hữu, Vietcombank đã giảm lợi nhuận của mình khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, sự lan toả từ việc giảm lãi suất điều hành đến lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại cần có độ trễ nhất định. Việc giảm lãi suất cho vay phụ thuộc vào những quy chuẩn riêng của ngân hàng, đối tượng cho vay... Chính sách tiền tệ hiện tại cần thêm thời gian để phát huy hết khả năng. Khi nền kinh tế có thể phục hồi, xuất khẩu tăng trưởng trở lại thì các doanh nghiệp mới đẩy mạnh sản xuất, cầu tín dụng sẽ tăng.
Việt Linh
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Giảng viên Học viện Tài chính cho biết, việc giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 là xu hướng giảm mặt bằng lãi suất tất yếu. Như vậy, các ngân hàng “yên tâm” hạ lãi suất huy động và cho vay. Trước đây, các ngân hàng chưa dám hạ ngay lãi suất cho vay dù đã giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, với lần điều chỉnh giảm lãi suất lần thứ 4 này của NHNN, các ngân hàng sẽ nhanh chóng giảm cả lãi suất huy động và cho vay.
Theo ông Thịnh, với lãi suất điều hành hiện nay được đánh giá là “ổn” nhưng vẫn có khả năng giảm trong thời gian tới. “Với lần hạ này, mặt bằng lãi suất có thể giảm vào hết quý 3 năm nay và bằng cuối năm 2019”, ông Thịnh nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh hạ lãi suất, các ngân hàng nên hạ chuẩn điều kiện vay để doanh nghiệp dễ vay, tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, bản thân ngân hàng là doanh nghiệp nên điều kiện cho vay không thể hạ thấp. Nếu hạ chuẩn điều kiện vay sẽ dễ phát sinh nợ xấu. Vì vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được vấn đề làm sao có tài sản đảm bảo, cơ cấu trả nợ để không rơi vào nợ xấu...
“Ngân hàng chỉ nên đơn giản hóa thủ tục giấy tờ cho doanh nghiệp vay chứ không nên hạ chuẩn điều kiện vay”, ông Thịnh khẳng định.
Các ngân hàng liên tục giảm lãi suất tiết kiệm |
Hấp thụ vốn kém
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích, việc NHNN giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh lạm phát trên 3%, nhu cầu hấp thụ vốn nền kinh tế kém và sức hút tiền gửi của người dân vào ngân hàng lớn.
“Áp lực của ngân hàng nếu cứ tăng lãi suất sẽ không tăng trưởng được tín dụng. Trong bối cảnh này, ngân hàng muốn tăng lãi suất cũng không được. Giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện để người dân hiểu được không kỳ vọng vào lãi suất tiết kiệm cao. Từ đó, ngân hàng giảm lãi suất huy động và cho vay”, ông Hùng nói.
Ngân hàng đang trong giai đoạn đỏ mắt tìm doanh nghiệp tốt để cho vay vốn. Ảnh: Như Ý |
Theo ông Hùng, hiện doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng lãi suất thấp bởi 2 năm COVID-19 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn, khi phục hồi đơn hàng lại giảm. “Sức hấp thụ vốn nền kinh tế thấp, ngân hàng không thể bơm tín dụng ra thoải mái được. Hiện, doanh nghiệp không có lãi để đủ điều kiện tiếp cận vốn. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện để cơ cấu nợ thì ngân hàng không ai dám cho vay tiếp. Trong tình trạng như vậy, ngân hàng thừa vốn không cho vay được”, ông Hùng nói và cho rằng, lãi suất cho vay giảm tuy có độ trễ hơn với lãi suất tiết kiệm nhưng giảm lãi suất điều hành là cần thiết, đặc biệt sẽ có tác động tích cực hơn trong nửa cuối năm.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp không chỉ nằm ở câu chuyện lãi suất, cũng không phải do các ngân hàng thắt chặt cho vay, mà nằm ở việc doanh nghiệp có muốn vay vốn để thực hiện phương án kinh doanh hay không, và họ vay để làm gì còn phụ thuộc vào đơn hàng đầu ra. “Nếu ngân hàng cứ giảm lãi suất nữa nhưng doanh nghiệp không vay được thì việc giảm lãi suất cũng không còn ý nghĩa”, ông Hùng nói.