Năm tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 3,17%, cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang vô cùng yếu. Nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, vay vốn.
Khó khăn của doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận tín dụng khẩn cấp đến mức ngay trong sáng 19/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã phải chủ trì Hội nghị “Giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế”. Hội nghị với sự tham gia của các bộ, ngành; hiệp hội (Bất động sản, Da giày…) với 10 ngân hàng thương mại.
Doanh nghiệp thủy sản chủ yếu vay USD để giao dịch với khách hàng quốc tế. Ảnh: Ngọc Mai |
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ PMA (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp đang vay với lãi suất khoảng 10%/ năm, giữ nguyên trong thời gian qua. Nếu điều kiện thuận lợi, về dài hạn, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, cần vốn hàng chục tỷ đồng, mong mỏi được vay vốn với lãi suất phù hợp, thời hạn cho vay dài.
Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest thì chia sẻ, bản thân doanh nghiệp đang chuẩn bị làm dự án bất động sản ở Phú Thọ dù là khách hàng tốt, nhưng ngân hàng vẫn đang báo lãi suất cho vay ở mức 11%/năm. “Đây là mức lãi suất doanh nghiệp không vay để làm gì được. Chúng tôi đang đàm phán với ngân hàng để có mức lãi suất phù hợp”, ông Hiệp nói.
Với các doanh nghiệp ngành gạo, hoạt động xuất khẩu được đánh giá đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi nhu cầu lương thực trên thế giới tăng mạnh, song việc gian nan tiếp cận vốn vay khiến doanh nghiệp khó tận dụng cơ hội.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thì cho biết, với lượng lúa thu mua khi vào vụ khoảng 1 - 2 tấn/ngày, doanh nghiệp sẽ cần khoảng vài tỷ đồng/ngày để thu mua lúa cho nông dân. Số tiền này chỉ vay ngân hàng mới có, nhưng đến nay phía ngân hàng cũng không cho dùng lúa để thế chấp nên doanh nghiệp đành bó tay.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhựt so sánh hoàn cảnh doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo hiện giống như “cơm dọn sẵn lên bàn mà không được ăn” bởi không có tiền.
“Doanh nghiệp thu mua 10 nghìn tấn gạo cần khoảng 150 - 200 tỷ đồng nhưng hiện không thể vay được do ngân hàng không mở thêm hạn mức tín dụng theo thời điểm cho các thương nhân xuất khẩu gạo. Ngành lúa gạo đang gặp thuận lợi muốn thu mua 1 triệu tấn làm sao đủ tiền”, ông Nhựt nói, đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chính sách cho doanh nghiệp được tín chấp hoàn toàn khi đến vụ thu hoạch lúa.
Lãi suất cho vay còn cao
Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, với nhóm doanh nghiệp bất động sản lãi suất cho vay vẫn ở mức 13- 14%/năm. Còn với doanh nghiệp thủy sản đang phải chịu mức lãi suất cho vay bằng USD trên dưới 5%.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, doanh nghiệp thủy sản chủ yếu vay USD để giao dịch với khách hàng quốc tế. Từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng thông báo và áp dụng tăng lãi suất vay USD từ 2,1-2,8% lên 3-3,3%, thậm chí đến 4,5%. Hiện đa phần ở mức cao 4,1-4,9%, có những doanh nghiệp cao hơn 5%.
Theo ông Hòe, mức lãi suất này quá cao trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp do kinh tế thế giới suy giảm và cạnh tranh quốc tế khốc liệt.
“Nếu Chính phủ không có biện pháp điều chỉnh giảm lãi suất ngay sẽ tạo áp lực tài chính rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành sản xuất vốn là thế mạnh của Việt Nam như xuất khẩu thủy sản sẽ phải thu hẹp sản xuất, từ đó nhường thị phần quốc tế cho các đối thủ Indonesia, Ấn Độ,…”, ông Hòe nói.
Vừa qua, Thủ tướng chỉ đạo NHNN xây dựng gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thủy sản vay. Thế nhưng đến nay, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được, chưa nói đến việc người nuôi tôm và sản xuất tôm giống càng thấy xa vời.