Ngân hàng cấn nợ cổ đông lớn

Ngân hàng cấn nợ cổ đông lớn
TP - Hai ngày này, thị trường chứng khoán và giới ngân hàng lại được phen ồn ào trước thông tin Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã lên kế hoạch xử lý tài sản siết nợ của hai cha con ông Đặng Văn Thành với mốc thời gian chậm nhất đến ngày 31/5/2013.

> Sacombank dành 200 tỷ đồng cho vay lãi suất 6 - 10%/năm
> Sacombank siết nợ cựu Chủ tịch và Phó chủ tịch gần 1.600 tỷ đồng

Ông Đặng Văn Thành và Ngân hàng Sacombank
Ông Đặng Văn Thành và Ngân hàng Sacombank.

Sự việc được công khai qua một công văn do Sacombank phát đi gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở GDCK TPHCM về việc “Giải trình về ý kiến nhấn mạnh trên Báo cáo tài chính (BCTC) và những khác biệt trên BCTC trước và sau kiểm toán”.

Theo ý kiến nhấn mạnh của bên kiểm toán là Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam (PWC), ngân hàng đã ký một thỏa thuận với ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch của Ngân hàng và ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch vào ngày 5/12/2012.

Ngân hàng đồng ý sử dụng khoản sở hữu vốn trong Ngân hàng tương đương 7,435% (79.842.647 cổ phiếu) của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh nhằm thanh toán các khoản vay, đầu tư trái phiếu và phải thu khác theo tổng giá trị thỏa thuận là 1.596,85 tỷ đồng.

Các cổ phiếu này được phân loại là tài sản xiết nợ trong BCTC năm kết thúc ngày 31/12/2012 của ngân hàng theo giá trị 1.596,85 tỷ đồng. Cùng đó, ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh ủy quyền cho Hội đồng quản trị ngân hàng toàn quyền thực hiện các công việc mua, bán định đoạt liên quan đến quyền sở hữu cổ phiếu của hai ông.

Tại BCTC hợp nhất kiểm toán 2012 của Sacombank cũng ghi rõ, ngân hàng sử dụng 7,435% tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Sacombank của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh theo giá thỏa thuận là 20.000 đồng/cổ phiếu để cấn trừ với khoản phải thu 171,74 tỷ đồng từ Công ty Tín Việt và cấn trừ toàn bộ số dư còn lại là 1.425,11 tỷ đồng cho các khoản cho vay khác.

 Sacombank cho biết, Ngân hàng đã có kế hoạch xử lý tài sản xiết nợ này chậm nhất đến ngày 31/5/2013. 

Bao gồm tại CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương tín là 678,22 tỷ đồng, khoản đầu tư vào trái phiếu phát hành bởi Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương tín trị giá 239,39 tỷ đồng, khoản cho vay Cty Thành Thành Công trị giá hơn 18 tỷ đồng, khoản đầu tư vào trái phiếu phát hành bởi chính công ty này trị giá 192,34 tỷ đồng; khoản đầu tư vào trái phiếu phát hành bởi Công ty Đặng Huỳnh trị giá 148,35 tỷ đồng, khoản cho vay Công ty Thành Ngọc trị giá 58,79 tỷ đồng.

Như vậy, qua thông tin này có thể thấy, Sacombank trong thời gian trước đó đã đầu tư nhiều khoản lớn vào “chằng chịt” các công ty liên kết, công ty con. Tuy nhiên, sự việc cũng đang rộ lên ít nhiều tranh cãi. Giám đốc một công ty chứng khoán cho hay vấn đề này thực chất xảy ra từ cuối năm 2012, còn giờ dư luận mới biết bởi liên quan đến báo cáo tài chính Sacombank (mã CK: STB) phải công bố.

Có hay không câu chuyện sở hữu chéo hay lợi ích nhóm từ sự việc này, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đã từ chối khéo bình luận chỉ ít nhiều nhấn nhá: “Dậu đổ bìm leo, khi người này thất thế lại là cơ hội của người khác”. Ông khẳng định rất khó để biết cụ thể sự việc vì những cam kết nếu có nằm trong luật chơi. Việc siết nợ cổ đông cũng là một cách nhưng bản chất phải là có cơ chế ngăn chặn rủi ro chứ còn đây là xảy ra rồi mới giải quyết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG