Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ NN&PTNT về công tác đảm bảo an ninh, an toàn nông ngành nông nghiệp, chiều 14/12. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng NN&PTNT Xuân Cường cùng chủ trì hội nghị.
Hai năm qua, việc phối hợp trao đổi thông tin giữa hai bộ được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Bộ Công an đã trao đổi những tình hình phức tạp liên quan, giúp Bộ NN&PTNT chủ động rà soát, làm tốt công tác quản lý nhà nước, như: Tình hình ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển các nước, buôn lậu xăng dầu trên tàu cá; hoạt động buôn bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã… Bộ NN&PTNT cũng chuyển nhiều thông tin, hồ sơ có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan công an, từ đó phục vụ điều tra khởi tố vụ án, bị can đối với nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp.
Đáng lưu ý, việc phối hợp giữa lực công an và cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT để thanh tra, kiểm tra và phát hiện, phanh phui, xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp.
Trong đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm và ngăn chặn, các cơ sở sản xuất kinh doanh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, phân bón, xử lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép nhất là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh tôm tạp chất…
Thời gian qua, các đơn vị hai bộ đã thành lập hơn 300 đoàn thanh tra liên ngành thanh, kiểm tra đột xuất trên 9.000 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử phạt vi phạm hành chính với 6.700 cơ sở, nộp ngân sách trên 40 tỷ đồng. Hai bên đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trên 10.000 lượt liên quan đến công tác bảo vệ rừng, qua đó phát hiện và xử lý trên 7.500 vụ, phạt vi phạm hành chính trên 83 tỷ đồng, tịch thu gần 1.124 m3 gỗ các loại.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, trong 2 năm chỉ đạo ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi từ tháng 8/2016 đến nay không phát hiện bất cứ mẫu nào có vi phạm. “Hiệu quả còn được thể hiện khi có sự vào cuộc của lực lượng các đơn vị công an chúng ta đã chấn chỉnh được tình trạng tiêm thuốc an thần vào lợn. Bên cạnh đó, cùng với lực lượng công an trong quá trình thanh tra, kiểm tra chúng tôi đã phát hiện được nhiều hành vi vi phạm và đã xử lý như đưa hóa chất công nghiệp đưa vào thức ăn chăn nuôi”- ông Việt nói.
Phanh phui nhiều vụ “nghìn tỷ đồng”
Hai năm qua, các đơn vị của hai bộ và địa phương đã phối hợp xác minh, xử lý nhiều đơn thư, vụ việc phức tạp trong lĩnh vực NN&PTNT, tổ chức điều tra, khởi tố một số trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Điển hình việc khởi tố vụ án, bắt 3 đối tượng lấy danh nghĩa Trung tâm hỗ trợ người nghèo, đã tuyên truyền thu hút hơn 40.000 người tham gia “Chương trình Trái Tim Việt Nam”, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của người dân…
C46 (Bộ Công an) cũng phát hiện và điều tra 5 vụ gây thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, khởi tố 13 bị can là cán bộ, lãnh đạo tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT. Trong đó, đáng lưu ý là vụ cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Cty Lương thực Trà Vinh trong kinh doanh lúa gạo gây thiệt hại 662 tỷ đồng.
Vụ cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và một số đơn vị thành viên trong việc đầu tư góp vốn trái quy định gây thiệt hại 43 tỷ đồng. Các vụ lập khống hồ sơ, vay vốn ngân hàng, C46 đã phát hiện điều tra 3 vụ gây thiệt hại trên 1.200 tỷ đồng, khởi tố 11 bị can...
Tổng cục Cảnh sát đề nghị giao các cơ quan chức năng rà soát sửa đổi bổ sung Thông tư, trong đó làm rõ hơn các nội dung đấu tranh tội phạm kinh tế, tham nhũng, sản xuất hàng giả hàng cấm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý, các đơn vị hai Bộ cần chủ động tăng cường trao đổi cung cấp thông tin, nhất là thông liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung nội dung phối hợp để hoàn thiện hơn và đáp ứng sát hơn nhu cầu thực tiễn