Đây là món quà trị giá 3 triệu USD của doanh nhân Đào Hồng Tuyển tặng sau khi GS đoạt giải thưởng Fields danh giá năm 2010. Vườn ươm là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm khởi nguồn, vun đắp cho các thế hệ tài năng, nhất là học sinh giỏi ở các vùng khó khăn. Được biết, GS Ngô Bảo Châu còn muốn đưa các em nhỏ ở Cao nguyên đá Đồng Văn, trẻ em nghèo vùng cao về đây để một lần được thưởng ngoạn kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng thế giới này.
Một lễ ra mắt nhỏ gọn, không hề phô trương tự nó đã nói lên cái tâm của những nhà khoa học đích thực. Từ chỗ đại gia Đào Hồng Tuyển hâm mộ tài năng GS Ngô Bảo Châu đã tặng một căn biệt thự để anh sử dụng, đến lượt mình vị GS trẻ này lại biến nó thành nơi phục vụ cho cộng đồng, phục vụ cho những mục đích tốt đẹp của xã hội. Mong sao trong xã hội ta ngày nay, có thêm nhiều những đóng góp mang tính trí tuệ cho đất nước.
Người giàu ngày càng giàu thêm, tỉ phú, triệu phú Việt cũng không thiếu, song hình như ít thấy ai xây trường đại học hoặc mở quỹ tư nhân nổi đình đám để trao giải cho những phát minh, sáng tạo khoa học. Có người cho rằng, những triệu phú ở ta thường chú trọng tới tâm linh, xây mồ mả, từ đường dòng họ, chùa chiền… hơn là những giá trị cho sự phát triển của xã hội như ở bên tây. Ngoài ra, hình như không ít người giàu Việt thích tậu xe siêu sang, xây biệt thự xa hoa hơn là đầu tư cho sản xuất, nghiên cứu công nghệ chuyên sâu, tăng sức cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế.
Hãy nhìn ra thế giới, trường đại học danh giá Harvard của Mỹ ngày nay mang tên mục sư John Harvard vào năm 1639, người đã hiến tặng một nửa tài sản cho trường trước khi mất, khi đó chỉ vẻn vẹn là 779 bảng Anh và chừng 400 cuốn sách. Ngày nay, sau Harvard đã có rất nhiều thế hệ mạnh thường quân trên khắp thế giới hiến tặng tài sản của mình cho ngôi trường danh giá này. Quỹ Nobel danh giá nhất thế giới cũng do nhà khoa học Afred Nobel hiến tặng tới 94% tài sản của mình vào năm 1896 để làm quỹ trao giải thưởng cho những người có đóng góp xuất sắc cho khoa học và xã hội trên 5 lĩnh vực. Còn vô số những ví dụ khác cho thấy, giá trị to lớn không chỉ cho một dân tộc mà cho cả nhân loại đều đến từ những sự hiến tặng với mục đích sự phát triển của trí tuệ và tài năng, vì lợi ích của cộng đồng.
Mong rằng Việt Nam ta sẽ ngày càng có nhiều doanh nhân, nhiều nhà khoa học và những tài năng tiếp bước được cách trao tặng nêu trên của nhân loại, tuy giá trị ban đầu không lớn song lại có nhiều ý nghĩa cho sự phát triển bền vững trong tương lai.