Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: Quý Hiên.
Với chủ đề bí quyết giải toán, GS Ngô Bảo Châu đã giới thiệu với các bạn trẻ một cuốn sách thuộc loại kinh điển dành cho các bạn trẻ yêu toán của G.Polya viết từ cách đây 70 năm – How to solve it (Giải toán như thế nào), được NXB Giáo dục dịch sang tiếng Việt rồi xuất bản từ lâu. Theo GS đây là cuốn sách rất bổ ích, đặc biệt với các giáo viên dạy toán.
Dựa trên khung nội dung cuốn sách của G.Polya và từ trải nghiệm của chính mình, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ “bí quyết” của mình về quá trình giải một bài toán.
Theo GS, để làm một bài toán, người giải cần phải qua bốn bước: Hiểu vấn đề, lên kế hoạch giải quyết vấn đề, thực hiện kế hoạch đó, và nhìn lại toàn bộ bài toán.
Sau khi hiểu vấn đề, bạn lên kế hoạch giải quyết vấn đề - nghĩa là viết ra bài toán và việc này giống như việc viết một kịch bản. Còn khi thực hiện kế hoạch nghĩa là lúc người làm toán cho diễn kịch bản đó.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: Ta cần phải tưởng tượng đó là một vở kịch mà ta biết điểm bắt đầu cũng như điểm kết thúc. Như vậy, chúng ta cần biết diễn viên của vở kịch gồm những ai – nghĩa là những đại lượng, tham số, ẩn số… nào!
Trong số các diễn viên của vở kịch có chính bạn – người tham gia đối thoại với các đại lượng, tham số, ẩn số khác nhau, làm sao thuyết phục được “họ” đi từ điểm xuất phát đến điểm kết luận.
Khi tham gia vai diễn, người làm toán không được là nhà độc tài, không có quyền bắt x=100, y=50. Bạn chỉ có quyền chơi theo luật chơi của chính vở kịch. Luật chơi chính là cái được xây dựng trước khi kịch bản được hình thành.
Với những bài toán khó, sẽ có tình trạng xuất hiện những diễn viên ẩn, người làm toán thoạt tiên không nhận ra sự có mặt của những diễn viên đó trong khi “họ” là những người chi phối hoàn toàn diễn biến vở kịch.
GS Ngô Bảo Châu cũng cho rằng, khi tham gia “cuộc chơi” làm toán, người chơi phải có được tinh thần lạc quan. “Ít nhất bạn phải tin rằng bạn sẽ thành công. Nếu không tin rằng mình sẽ thành công thì bạn không nên bắt đầu”, GS Châu khyên.
Theo GS Châu, khâu nhìn lại toàn bộ bài toán đã làm rất thú vị. “Có thể có người coi đây là khâu nhàm chán nhưng với tôi nó mang lại nhiều khoái cảm. Đấy là khi mình có thể viết lại lời giải của mình một cách hay nhất. Trong suốt quá trình làm toán, có thể bạn đã phải làm nhiều động tác thừa thì đây là lúc bạn loại bỏ những động tác thừa đó.
Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Quý Hiên.
Vẻ đẹp của lời giải
Trong phần giao lưu – trò chuyện, nhiều bạn trẻ đã nêu lên một số băn khoăn của mình để nhờ GS Ngô Bảo Châu và các khách mời giải đáp. Trước thắc mắc của bạn Trần Đăng Phúc (Huy chương bạc IMO 2013) về việc làm sao xác định được một bài toán mình đã giải đúng hay sai, anh Nguyễn Quốc Khánh – quản trị viên Diễn đàn Toán học cho rằng, bài toán đúng đơn giản là bài toán có lời giải đẹp.
Nhân câu trả lời này, GS Ngô Bảo Châu đã tâm sự với các bạn trẻ về cảm giác thăng hoa của chính mình trong những khoảnh khắc nhận thấy vẻ đẹp của lời giải bài toán mà ông theo đuổi lóe lên trong tâm tưởng.
Còn PGS Ngô Quang Hưng (ĐH Bang New York ở Buffalo, Mỹ) nhận xét, cảm giác về cái đẹp khi mình tìm ra được một lời giải, cảm xúc đó rất tinh khiết và tinh tế.
Việc giữ được cảm xúc đó trong quá trình lập nghiệp về sau, kể cả khi không còn làm toán, sẽ làm cho cuộc sống của mỗi con người trở nên thú vị hơn.
“Tôi làm việc trong lĩnh vực máy tính nhưng cũng thường xuyên bắt gặp những cảm xúc như vậy. Khi bạn là người lập trình, bạn cũng sẽ giống những người làm toán ở chỗ bạn cũng sẽ phải viết ra một kịch bản với những diễn biến – tình tiết rất phức tạp. Nó không phức tạp theo kiểu một mình phá cả một quả núi khổng lồ như công việc mà GS Ngô Bảo Châu phải làm, mà phức tạp ở chỗ bạn sẽ phải lãnh đạo một đội quân phá quả núi đó.
Việc tìm ra được những phần mềm hoặc chương trình máy tính có cuộc sống lâu dài cũng giống như tìm ra được các định lý toán học có sức sống chính là nhờ từ những cảm xúc khi tìm ra được những lời giải đẹp.
“Các bạn đang ở trong một môi trường được dung dưỡng tinh thần yêu toán, các bạn cố gắng giữ tinh thần đó kể cả khi ra đời làm những nghề khác. Đừng bao giờ thỏa mãn với một bài toán đã giải được bằng những lời giải xấu xí. Chắc chắn nếu bạn bỏ ra thêm thời gian, cho dù là một vài ngày hay kể cả một vài năm, để tìm lời giải đẹp thì chắc chắn lợi ích của nó mang lại cho bạn về lâu dài là không thể đo lường được”, PGS Ngô Quang Hưng nói.