> 'Heo vàng' chen chân trong lễ khai giảng
> Phó Thủ tướng đánh trống khai trường tại ĐH Y Hà Nội
Đất chật, người đông, sáng sớm đi làm đã thấy các cháu nhỏ nhễ nhại mồ hôi, nét mặt căng thẳng đứng xếp hàng dài trên hè phố, cạnh mỗi bé là một ông bố hoặc bà mẹ luôn tay quạt phành phạch.
Bé hàng xóm nhà tôi năm nay lên lớp 4, tức đã có “thâm niên” 4 năm tập và dự khai giảng, xem ra có nhiều kinh nghiệm nên không thấy căng thẳng như mấy bé lớp 1. Hỏi chuyện tập khai giảng, bé kể vanh vách. “Năm nào cũng tập vỗ tay và hô thật to ạ”. Hô như thế nào? “Dạ, mỗi khi cô Tổng phụ trách hô nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu... thì chúng cháu hô kính chúc các vị đại biểu mạnh khỏe ạ”.
Bé còn không quên làm động tác vỗ tay ở tư thế giơ hai tay lên đầu giống như các chú bộ đội trong chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” trên tivi rồi nói “cô bảo vỗ tay như thế nó mới khí thế”.
Khai giảng ở ta thường được các thầy cô chú trọng về phần lễ. Nhiều năm trời nóng nực, nhìn các em nhỏ phải ngồi dưới sân trường toát mồ hôi nghe những bài diễn văn dài lê thê (chủ yếu là báo cáo liệt kê thành tích, phát biểu của cấp trên...) mà thương. Cờ, hoa rồi bóng bay rợp sân trường nhưng hỏi bé hàng xóm có thích lễ khai giảng không, bé lắc đầu và cho biết vì “năm nào cũng giống nhau, toàn phải ngồi im dưới sân trường”.
Có một điều dường như chúng ta - những người lớn - quên mất rằng, nhân vật trung tâm của buổi lễ khai giảng chính là các em học sinh. Thậm chí chúng cần phải là những người chủ trì buổi lễ khai giảng. Có như vậy, các em mới cảm thấy thoải mái và thích thú thay vì chỉ đến ngồi vỗ tay và hô thật to mấy câu sáo rỗng, lặp lại hết năm này qua năm khác. Dường như căn bệnh hình thức, thành tích trong giáo dục cũng in đậm vào cả trong không ít lễ khai giảng năm học mới?
Trên thế giới, nhiều nước Âu-Mỹ rất chú trọng ngày tới trường của con trẻ. Đối với họ, đây thực sự là một dịp lễ trọng, ông bà, bố mẹ thường mua tặng các bé những món quà ý nghĩa nhất cho ngày đầu tiên đi học trong cuộc đời. Rồi họ cùng nhau đưa bé tới trường dự một lễ khai giảng trang trọng mà ấm cúng, nơi mọi sự chú ý đều đổ dồn vào các bé.
Thay đổi triết lý giáo dục, cải cách giáo dục, “đi đến tận cùng sự học” chính là phải lấy học sinh làm trung tâm cho nghiệp “trồng người”. Hãy cùng nhau gieo vào tâm hồn trong trắng của các em những giá trị đích thực của đạo đức và văn hóa, năm này qua năm khác chúng ắt sẽ trở thành những công dân ưu tú của nước Việt văn minh, giàu mạnh.