Ngâm mình trong dòng nước đen cứu những dòng kênh đang chết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều đoàn viên, thanh niên Quận Đoàn Bình Thạnh phối hợp với nhóm Sài Gòn Xanh vừa tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy và cải tạo cảnh quan tại rạch Cầu Sơn, phường 24, quận Bình Thạnh. 

Ngâm mình giữa dòng nước đen dọn rác

Từ 7 giờ sáng, “biệt đội” Sài Gòn Xanh với hơn 40 người mặc đồ bảo hộ, đeo 2 lớp găng tay cao su bắt đầu dọn dẹp đống rác đang lềnh bềnh trên mặt kênh cùng với mùi hôi bốc lên nồng nặc.

Theo các tình nguyện viên, rác ở đây có đủ loại như túi nilong, chai nhựa, vải (quần áo), lon sắt và cả kim tiêm.

“Không biết bao nhiêu túi rác cỡ lớn được các thành viên chuyển từ dưới rạch lên, từ hai bên bờ qua. Nhiều bạn còn bắt gặp cả rắn, rết ngay khi con rạch đang đầy rác”, Phó trưởng nhóm Sài Gòn Xanh Ngô Nhật Duy (sinh năm 1999) nói.

Ngâm mình trong dòng nước đen cứu những dòng kênh đang chết ảnh 1
Các bạn trẻ xuống con kênh nước đen để dọn rác.

Nhật Duy cho biết, cứ thấy chỗ nào rác nhiều làm tắc nghẽn kênh, rạch nhóm Sài Gòn Xanh lại bắt tay vào dọn. Để đảm bảo an toàn cho các thành viên, nhóm Sài Gòn Xanh chỉ chọn nơi mực nước không cao quá đồ bảo hộ.

Thời gian đầu, nhóm chỉ có 5 người, nhưng vì rác càng ngày càng nhiều ở các khu vực quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Bình và quận 12 nên nhóm quyết định mở rộng quy mô. Số lượng thành viên (bao gồm cả cộng tác viên) đến nay đã được 200 người.

Đến nay nhóm đã nhặt rác, làm sạch và tạo cảnh quan cho khoảng 20 kênh. Trong đó, rạch Cầu Sơn được Duy đánh giá có độ khó trung bình.

Không chỉ dọn rác, khơi thông các kênh rạch tại TPHCM, nhóm còn dự định tiến hành công việc tương tự tại các tỉnh, thành khác.

“Mình không xuống thì ai làm?

Hy Vọng là một trong những con kênh nhóm đã nạo vét và hiện nay đã đầy rác trở lại. Nhật Duy cho biết: “Nhiều nơi vừa dọn xong rác lại phủ đầy cả mặt nước, không phải do người dân xung quanh xả xuống, mà lượng rác lớn từ đầu nguồn trôi về. Những kênh như vậy, tầm 2 – 3 tháng Sài Gòn Xanh sẽ tổ chức dọn một lần".

Ngâm mình trong dòng nước đen cứu những dòng kênh đang chết ảnh 3
Đường nhỏ gây trở ngại cho việc di chuyển và đưa túi rác lên bờ.

“Hiện nay nhóm chỉ truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội là chủ yếu. Sau này, khi dọn sạch kênh, rạch ở đâu nhóm sẽ cắm biển báo để nhắc nhở không xả rác bừa bãi xuống kênh rạch”, Nhật Duy chia sẻ.

Lê Ngọc Hà (sinh viên năm 2, Trường ĐH Tài chính – Marketing) không nhớ đã bao nhiêu lần tham gia nhặt rác, nhưng cô vẫn nhớ về “cú sốc” đầu tiên tại kênh Hy Vọng với thời gian dọn rác hơn 12 tiếng.

“Lần đó con kênh rất đen và hôi, mặc dù đã đeo 2 cái khẩu trang nhưng mình vẫn buồn nôn. Tuy nhiên, qua thời gian, tiếp xúc hoài, những khó khăn như ngày đầu không còn nữa. Nhiều người hỏi tại sao nhóm không đi quét đường, dọn rác ở trên bờ cho đơn giản. Nếu chúng mình không xuống thì ai làm? Ai tình nguyện xuống dọn rác?”, Hà bộc bạch.

Ngâm mình trong dòng nước đen cứu những dòng kênh đang chết ảnh 4
Hành động làm sạch kênh, rạch đem lại nhiều niềm vui cho các bạn tham gia.

Người dân chung tay

Hưởng ứng Tháng Thanh niên, Quận Đoàn Bình Thạnh đã phối hợp với nhóm Sài Gòn Xanh đẩy nhanh tiến độ trả lại diện mạo sạch đẹp cho rạch Cầu Sơn. Anh Trần Phước Đức (chuyên viên Mặt trận An ninh quốc phòng - Địa bàn dân cư Quận Đoàn Bình Thạnh) thực hiện kế hoạch dọn dẹp rác thải, khơi thông tuyến rạch Cầu Sơn và phát tờ rơi tuyên truyền vệ sinh môi trường khu vực phường 24. Anh chia sẻ: “Biết nhóm Sài Gòn Xanh qua những lần cải tạo kênh, rạch tại địa bàn quận Bình Thạnh nên Đoàn Thanh niên đã chủ động liên hệ với nhóm để thực hiện công trình giúp ích cho địa phương. Với hoạt động ý nghĩa này, Đoàn Thanh niên muốn góp phần nâng cao ý thức của người dân, đoàn viên thanh niên về việc chung tay bảo vệ môi trường”.

Ngâm mình trong dòng nước đen cứu những dòng kênh đang chết ảnh 5
Thư cảm ơn của Quận Đoàn Bình Thạnh dành tặng nhóm Sài Gòn Xanh với hành động "truyền cảm hứng".

Anh Lê Ngọc Tuấn (Tổ trưởng tổ dân phố 1, P.24) cảm kích với hành động của các bạn trẻ nhóm Sài Gòn Xanh. Anh mong muốn người dân sẽ có ý thức giữ gìn không gian sống hơn, tránh gây hại đến sức khỏe và làm mất cảnh quan khu phố.

“Từ tháng 6 năm ngoái, người dân địa phương bắt đầu lội kênh vớt rác, cải thiện môi trường. Tuy nhiên rác ở khu vực bên kia cầu Sơn quá nhiều, trôi qua địa bàn bên này. Mỗi tháng, người dân và tổ vệ sinh khu phố dọn kênh một lần, có tháng cũng tổ chức vét kênh lên đến 2 – 3 lần. Mong rằng người dân sẽ ngày càng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường”, anh Ngọc Tuấn cho biết.

MỚI - NÓNG