Gặp gỡ phóng viên hãng tin CNN hôm 16/1, Thư ký báo chí Điện Kremlin - ông Peskov được hỏi về việc liệu trong tương lai Mátxcơva có cân nhắc rút hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander khỏi Kaliningrad như một phần của nỗ lực giảm bớt căng thẳng hay không.
Trả lời câu hỏi này, ông Peskov cho biết: “Nga sẽ không bao giờ thảo luận với bất kỳ ai về việc rút bất cứ loại tên lửa hoặc vũ khí nào ra khỏi Kaliningrad. Vì Kaliningrad là lãnh thổ của Nga. Và chúng tôi cũng sẽ không bao giờ chấp nhận việc ai đó yêu cầu chúng tôi phải làm điều này, điều kia trên lãnh thổ của mình".
Bản đồ Kaliningrad. Đồ hoạ: BBC |
Phóng viên CNN cũng hỏi ông Peskov về việc rút lực lượng khỏi các nước láng giềng, trao Crimea cho Ukraine, và dừng hỗ trợ lực lượng ly khai ở phía Đông Ukraine (dù Nga từng nhiều lần phủ nhận có liên quan đến lực lượng này).
“Lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga có mặt ở nhiều khu vực khác nhau. Tình hình hiện vẫn rất mong manh, và việc Nga rút quân có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng mới”, ông Peskov nhấn mạnh. “Chúng tôi không biết kết quả sẽ ra sao. Nếu Nga rút quân, xung đột toàn diện có thể bùng phát trở lại.”
Cuộc phỏng vấn với ông Peskov được hãng tin CNN thực hiện sau các cuộc đàm phán an ninh hồi tuần trước giữa Nga, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tại cuộc họp, Nga đưa ra một loạt các đề xuất nhằm cải thiện an ninh châu Âu, bao gồm việc NATO cam kết bằng văn bản rằng sẽ không mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên, những yêu cầu này chưa được Mỹ và đồng minh chấp thuận.
Sau các cuộc hội đàm mà ông Peskov mô tả là “không thành công”, Mỹ tiếp tục cáo buộc Nga đang chuẩn bị châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện ở Ukraine. Điện Kremlin phủ nhận thông tin này, đồng thời gọi đây là “tin giả”.
Ông Peskov khẳng định Nga vẫn đang tìm cách giảm leo thang. Nhưng ông mô tả việc Washington và Mátxcơva “đi theo 2 hướng khác nhau” là tình huống “đáng lo ngại”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Peskov cho biết việc NATO can thiệp sâu hơn ở Ukraine đã đưa khối quân sự do Mỹ đứng đầu "tiến gần lằn ranh đỏ của Nga".
Theo ông Peskov, Mỹ và NATO chỉ có một cách duy nhất để hoá giải căng thẳng là lắng nghe yêu cầu của Nga một cách nghiêm túc thay vì bỏ ngoài tai. “Đó là lý do chúng tôi kiên quyết muốn nhận được phản hồi một cách trực tiếp”, ông Peskov giải thích.
Người phát ngôn khẳng định Mátxcơva không đưa ra bất cứ tối hậu thư nào, cũng không đề cập đến các hành động quân sự. Nga coi các kịch bản quân sự “là một điều điên rồ”. Tuy nhiên, Mátxcơva sẽ không khoanh tay đứng nhìn nếu NATO tiếp tục mở rộng.