Mặc dù các nguồn tin không chính thức cho rằng Nga đã sử dụng bom chống tăng SPBE-D vào tháng 10/2015 ở mặt trận Aleppo. Tuy nhiên, mãi tới ngày 19/4/2016 thì truyền thông Nga mới đăng tin xác nhận việc không quân nước này sử dụng bom SPBE-D tại Aleppo trong các chiến dịch chống phiến quân IS.
Bom chống tăng SPBE-D được thiết kế để mang trong các quả bom RBK-500 nặng 500kg dùng để chống lại các loại mục tiêu như xe tăng, xe thiết giáp. Có thể nói, RBK-500 cũng là loại bom mẹ - con hoặc là bom chùm (bên trong chứa nhiều bom con có sát thương diện rộng).
Bom con tự dẫn SPBE-D do Liên hiệp NPO Bazalt phát triển với thiết kế hệ thống dẫn đường riêng, chính xác cao, sức xuyên giáp mạnh đủ sức chống lại mọi mẫu xe tăng chủ lực hiện đại nhất. "Không một xe tăng hiện đại nào chống nổi đòn tấn công của "lõi" (SPBE-D), dù là xe chiến đấu bộ binh hay đối tượng mục tiêu được củng cố", chuyên gia quân sự Victor Murakhovski, biên tập viên tạp chí "Vũ khí của Tổ quốc" khẳng định.
Trong chiến đấu, bom “mẹ” RBK-500 sẽ được thả ở độ cao 400-5.000m với tốc độ bay (của máy bay mang phóng) từ 500-1.900km/h. Ở độ cao trên khu vực mục tiêu địch sẵn, bom sẽ tách ra và thả 15 quả bom con SPBE-D.
Mỗi quả bom con được trang bị 3 dù nhỏ đảm bảo tốc độ rơi xuống là 15-17m/s. Trên bom được trang bị hệ dẫn đường hồng ngoại có góc quan sát của là 30 độ và quét khu vực mục tiêu với tốc độ 6-9 vòng/phút. Phần chiến đấu là một lõi xuyên giáp nổ tạo hình (Explosively Formed Penetrator - EFP).
Sau khi phát hiện mục tiêu và xác định điểm kích nổ phần chiến đấu nhờ máy tính trên khoang (ở độ cao khoảng 150 m), bom con tấn công tiêu diệt mục tiêu. Tấm đồng đường kính 173 mm và nặng 1 kg được gia tốc lên tốc độ 2.000 m/s có khả năng xuyên giáp đến 70 mm ở góc 30 độ so với đường pháp tuyến.
Bất cứ xe thiết giáp nào, kể cả xe tăng Abrams hay Leopard đều không có cơ hội sống sót khi một vật hình trụ bằng đồng bay với tốc độ đó lao vào nóc xe – nơi thường được bọc giáp mỏng nhất.