Nga hứng thêm làn sóng trừng phạt nặng nề từ EU, Mỹ, Anh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các quốc gia thành viên EU ngày 24/2 đã thông qua vòng trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga đúng thời điểm cuộc xung đột ở Ukraine cán mốc một năm. Mỹ, Úc, Anh và New Zealand cũng có động thái tương tự.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của châu Âu bao gồm hạn chế xuất khẩu đối với các mặt hàng và công nghệ lưỡng dụng, cũng như “các biện pháp chống lại thông tin sai lệch từ Nga”, theo một thông báo từ Liên minh châu Âu (EU).

Khối cũng đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với những cá nhân và tổ chức được cho là đang hỗ trợ hoạt động quân sự, “tuyên truyền hoặc giúp vận chuyển máy bay không người lái mà Nga sử dụng ở Ukraine”.

“EU luôn đoàn kết với Ukraine và người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine cho đến chừng nào còn có thể”, trích thông báo.

Tuyên bố lặp lại cụm từ “chừng nào còn có thể” được Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ khác sử dụng trong những ngày gần đây để nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với Ukraine.

Các thành viên EU được cho là đã thảo luận suốt ba ngày liên tiếp để đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới, một phần là do sự bế tắc giữa Ba Lan và Ý về những hạn chế mới đối với nhập khẩu cao su.

Ngoài EU, Mỹ, Anh, Úc và New Zealand cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt Nga mới vào đầu ngày thứ Sáu.

Trong đó, Úc áp đặt lệnh cấm đi lại đối với 90 cá nhân Nga, đồng thời đưa vào danh sách đen năm nhà sản xuất quốc phòng, bao gồm Kalashnikov Concern và gã khổng lồ hàng không Tupolev. Khi công bố các biện pháp trừng phạt, Thủ tướng Anthony Albanese nói thêm rằng Canberra sẽ gửi máy bay không người lái giám sát tới Kiev.

New Zealand trừng phạt 87 “nhân vật chính trị” Nga và toàn bộ gia đình của họ, bao gồm cả các thành viên của Ủy ban bầu cử trung ương Nga, cơ quan giám sát cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập bốn vùng ly khai của Ukraine vào Nga hồi tháng 9. Một số chỉ huy quân đội cũng bị thêm vào danh sách đen của New Zealand.

Tại Anh, chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak quyết định trừng phạt 92 cá nhân, bao gồm các giám đốc điều hành cấp cao trong ngành năng lượng hạt nhân, giám đốc điều hành của hai công ty quốc phòng và bốn ngân hàng.

Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Kemi Badenoch cũng tuyên bố Anh sẽ cấm xuất khẩu "mọi mặt hàng mà Nga được phát hiện sử dụng trên chiến trường cho đến nay", bao gồm các bộ phận máy bay, thiết bị vô tuyến và linh kiện điện tử có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 100 kim loại của Nga và hạn chế xuất khẩu với 90 công ty Nga.

Bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh rằng những biện pháp trừng phạt này “đang có tác dụng”, nền kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,1% vào năm ngoái, ít nghiêm trọng hơn nhiều so với mức 11,2% mà Ngân hàng Thế giới dự đoán vào tháng 2/2022. Với doanh thu từ năng lượng cao hơn so với trước khi xung đột bùng phát, nền kinh tế của Nga được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với Anh trong năm nay.

Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm thứ Ba rằng các biện pháp trừng phạt nhằm gây đau khổ cho người dân Nga đã phản tác dụng với các quốc gia phương Tây. “Họ đã tính toán sai và nền kinh tế Nga mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì phương Tây dự đoán”, ông nói trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Liên bang.

Theo RT
MỚI - NÓNG