Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass |
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã có chuyến thăm Kiev hôm 2/7. Tại đây, ông kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tìm kiếm lệnh ngừng bắn với Nga để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình. Lãnh đạo Ukraine bác bỏ đề xuất này, nói rằng ông có cách khác để chấm dứt xung đột.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - bà Zakharova cho biết trong chương trình phát thanh ngày 3/7 rằng "bất kỳ cuộc thảo luận về hòa bình nào mà Ukraine và các quốc gia phương Tây tiến hành đều chỉ là mồi nhử, bình phong, đều vì lợi ích của bản thân họ".
Bà Zakharova giải thích: Xung đột Ukraine bị chi phối bởi mục tiêu gây ra thất bại chiến lược cho Nga, điều mà Mỹ và các đồng minh đã tuyên bố “hoàn toàn rõ ràng và cụ thể”.
Theo nhà ngoại giao Nga, các chính trị gia sáng suốt ở Liên minh châu Âu (EU) có thể thấy chỗ đứng của họ trong kế hoạch lớn ở Mỹ, đó là vị trí của "vật hiến tế" cho một chiến thắng trước Nga. Bà cho biết tương lai nghiệt ngã của châu Âu thể hiện rõ qua tình trạng nền kinh tế của liên minh này.
“Những gì đang xảy ra với châu Âu không chỉ là một cuộc khủng hoảng, sụp đổ hay mất vị thế. Đó thực sự là một thảm họa”, bà lập luận.
Bà Zakharova nói các quan chức phương Tây như Thủ tướng Orban của Hungary, người công khai phản đối hành động của phương Tây ở Ukraine, dường như đang muốn thể hiện rõ quan điểm trước các thế hệ công dân châu Âu tương lai, những người sẽ đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo ngày nay vì đã không hành động.
Thủ tướng Hungary nhiều lần nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên Nga đã không thể chấm dứt cuộc xung đột, và cuối cùng gây tổn hại cho các thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhiều hơn là Nga.
Budapest đã sử dụng quyền phủ quyết của mình trong khối để ngăn chặn những lệnh trừng phạt có thể làm suy yếu lợi ích quốc gia của Hungary, chẳng hạn như sự hợp tác của nước này với Nga về năng lượng hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ ra lệnh ngừng bắn với Ukraine ngay khi Kiev từ bỏ nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và rút quân ra khỏi toàn bộ lãnh thổ mà Nga tuyên bố chủ quyền.