Trước đó, các nguồn tin phương tiện thông tin đại chúng từng cho rằng học thuyết quân sự của Nga có thể sẽ được nâng cấp gồm cả điều kiện sử dụng cuộc “tấn công phủ đầu”.
Tuy nhiên, các điều khoản liên quan tới khả năng tấn công hạt nhân gần như vẫn giữ nguyên như học thuyết soạn thảo năm 2010.
Học thuyết nêu: “Nga bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đối phó với việc sử dụng vũ khí hạt nhân hay bất cứ dạng vũ khí hủy diệt hàng loạt nào chống lại nước Nga và các đồng minh của Nga, cũng như trong trường hợp tấn công vũ khí thông thường đe dọa sự tồn tại của đất nước”.
Một quan chức cao cấp thuộc Ủy ban an ninh Nga, người tham gia soạn thảo phiên bản học thuyết mới cho biết, “phần học thuyết liên quan tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân giữ nguyên không đổi.”
Theo bản học thuyết cập nhật, ngăn chặn chiến tranh hạt nhân hay bất kỳ dạng xung đột nào là trung tâm trong chính sách quốc phòng Nga.
Nguyên tắc sử dụng kho vũ khí hạt nhân chỉ vào mục đích ngăn chặn là trung tâm trong học thuyết quân sự Nga trong nhiều năm qua.
Quyết định cuối cùng cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh là của Tổng thống Liên bang Nga.
Trong tháng 12, Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì năng lực ngăn đe hạt nhân trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều những thách thức an ninh.
Học thuyết quân sự Nga mới xác định quân sự NATO và chương trình Tấn công toàn cầu chớp nhoáng (nhằm mục đích phát triển khả năng tấn công mọi nơi trên trái đất trong vòng 1 giờ đồng hồ) là các mối đe dọa mới đối với an ninh Nga.
AP nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể thách thức chương trình hiện đại hóa vũ khí đầy tham vọng của Nga, đó là phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa có đầu hạt nhân, xây dựng tàu ngầm hạt nhân và hiện đại hóa kho vũ khí thông thường của Nga. Tuy nhiên, Nga cho đến nay dường như không có ý định rút gọn quy mô.