Tại Hội thảo "Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam", PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu đưa ra 3 phương án đề xuất về cải tiến số bậc thang trong biểu giá bán lẻ điện, gồm 5 bậc thang, 4 bậc thang và 3 bậc thang.
Với phương án 5 bậc, nhóm nghiên cứu đề xuất bỏ bậc 50 kWh đầu tiên và kéo dài bậc thang lên tới trên 700 kWh. Trong đó, các bậc bao gồm dưới 100 kWh, 101-200 kWh, 201-400 kWh, 401-700 kWh và trên 700 kWh.
Phương án 2 được đưa ra là 4 bậc: dưới 100 kWh, 101-300 kWh, 301-600 kWh và trên 600 kWh. Với phương án này, hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ phải trả bằng 95% giá bình quân. Với bậc 2-3-4, hộ gia đình phải trả giá cao hơn giá bình quân tương tứng là: 114%-135%-154%.
Phương án 3 là thay đổi biểu giá 3 bậc: dưới 100 kWh, 101-400 kWh và trên 401 kWh. Với phương án này, hộ gia đình dùng dưới 100 kWh/tháng phải trả 95% giá bán lẻ bình quân. Với bậc 2 và 3, phải trả 115% và 152% so với giá bán lẻ bình quân.
Theo ông Bùi Xuân Hồi, các phương án trên đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội trong khi doanh thu của EVN giảm nhẹ. Trong đó, đối với phương án 3 bậc triển khai thực tế cũng sẽ đơn giản hơn 4 bậc và 5 bậc. Tuy nhiên đây là phương án mà hộ từ 101-200 kWh sẽ trả chi phí tăng nhiều nhất.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đề xuất lựa chọn phương án 5 bậc, vì phù hợp hơn với các mục tiêu định giá, và hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, với phương án này những hộ dùng dưới 100 kWh/tháng sẽ trả chi phí chỉ bằng 93,54% thực tế và sẽ không tác động đến CPI vì tổng chi tiêu hộ sinh hoạt không tăng (giảm nhẹ). Ngoài ra, chính sách hỗ trợ hộ nghèo đạt được tối đa.
Giáo sư, viện sĩ Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng vấn đề bậc thang điện không chỉ ở Việt Nam mà ở thế giới đều đang có sự không hợp lý.
Nguyên nhân là do mức giá theo bậc thang không tính theo đầu người mà theo hộ tiêu dùng. Điều này dẫn đến việc một gia đình đông người thường phải trả tiền ở bậc thang cao so với một gia đình ít người nhưng có cùng mức trung bình sử dụng điện/người.
Ông Long đề xuất, nên nghiên cứu thêm mức giá trên mỗi bậc và cần tính lượng điện tiêu thụ trung bình/người. “Xác định điểm tiêu thụ trung bình điện của mỗi người của cả nước là bao nhiêu kWh, ví dụ gần 200 kWh hiện nay, từ đó định hướng cho mức trung bình”.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, Đề án cần bổ sung việc tính giá điện theo đầu người để tạo nên sự bình đẳng. “Chẳng hạn, 3 người chia thành 2 hộ mà 7 người tách thành 2 hộ, nhưng 2 hộ của 7 người sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Đây là một nghịch lý, trong khi đáng lẽ ra sử dụng điện nhiều thì phải được giảm giá”.