‘Nền kinh tế đang như người ốm’

‘Nền kinh tế đang như người ốm’
Nền kinh tế đang suy kiệt, tới mức mà cứ cố "bón vào thì lại ọe ra", vì thế theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, cố bơm tín dụng quá mạnh sẽ có nguy cơ tác dụng ngược, lạm phát cao sẽ quay trở lại vào năm sau.
Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2012 có thể từ 5,1%-5,6%
Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2012 có thể từ 5,1%-5,6%.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm chỉ đạt 0,76%. Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 15%-17%. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia, ước tính, nếu tín dụng từ nay đến cuối năm mỗi tháng tăng 1,5% (tương đương 6 tháng là 9%) thì tăng trưởng GDP của cả năm 2012 từ 5,3-5,4%. Với mức này, lạm phát 5 tháng sau đó từ 0,5-1% mỗi tháng.

Ông cảnh báo nếu cố đẩy mạnh tín dụng hơn để 6 tháng tăng trưởng 12%, GDP cả năm 2012 có thể đạt 5,5-5,6%. Tuy nhiên, ông cho rằng, nguy cơ lạm phát sẽ bùng nổ vào 5 tháng sau đó nếu tín dụng được đẩy ra mạnh như vậy.

Tín dụng thường rơi vào tình trạng đầu năm tắc, cuối năm dồn toa. Đáng lẽ ra, theo quan điểm của ông Nghĩa, đầu năm khi ngân sách chưa đẩy ra kịp thì phải đẩy tín dụng mạnh (không nhất thiết là sản xuất, có thể là cho vay tiêu dùng bởi cầu trong thời điểm này mạnh). Cách làm này theo ông có thể san sẻ bớt căng thẳng cho tín dụng vào cuối năm.

Ông phân tích, tăng trưởng tín dụng có thể là 17% nhưng nếu dàn đều cho 12 tháng thì lạm phát sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu tăng trưởng tín dụng chỉ là 12% nhưng lại dàn trong 6 tháng, thậm chí 4 tháng cuối năm thì vô cùng nguy hiểm. “Ngay lập tức tạo ra một cú sốc về cầu, nền kinh tế không hấp thụ hết, lượng tiền mặt dư thừa. Nền kinh tế khả năng đang ở mức chúng ta cứ bón vào thì nó lại ọe ra”, ông Nghĩa đùa một cách ví von.

Câu chuyện tín dụng sẽ tăng trưởng như thế nào trong 6 tháng cuối năm cũng được nhiều doanh nghiệp lo lắng đặt ra với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuần trước. Một mặt lo đói vốn, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng sợ nhỡ cơ quan quản lý nhà nước để tín dụng tăng cao đột biến sẽ khiến lạm phát cao trở lại, và cái vòng luẩn quẩn thắt tín dụng lại xuất hiện.

Đáp lại băn khoăn này, Thống đốc Bình khẳng định tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay chỉ phấn đấu khoảng 8-10%, chứ không thể đẩy cao như chỉ tiêu đề ra.

"Mức tăng trưởng đó là phù hợp và không gây áp lực lạm phát. Đạt được như vậy là đáng khích lệ rồi", Thống đốc nhấn mạnh.

Tại diễn đàn Quốc hội hồi tháng 6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định kinh tế đã qua thời khắc khó khăn nhất và khẳng định quyết tâm năm nay tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát 7-8%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khó đạt được mức tăng trưởng này và băn khoăn về khả năng đã qua “đáy” của nền kinh tế. Trao đổi với VnExpress.net, một chuyên gia tài chính – chứng khoán độc lập tại TP HCM cho rằng, nhận định của Phó Thủ tướng có phần đúng nếu nhìn về những chính sách kinh tế vĩ mô nhưng chưa thỏa đáng nếu xét đến các yếu tố vi mô. Vị này cho rằng, gần đây các kế sách ổn định kinh tế vĩ mô đã khởi sắc nhưng tình hình của các doanh nghiệp lại chưa có gì sáng sủa.

Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Lê Xuân Nghĩa cũng ví thị trường giống như con chim đang bay với một đôi một cánh bị gãy. Tiến sĩ Nghĩa phân tích: “Nhìn vào bức tranh tổng quan, kinh tế vĩ mô đang tốt lên một cách thực sự nhưng vi mô đang có vấn đề. Căn bệnh chủ yếu là suy kiệt của nền kinh tế, mà nguyên nhân chính là nợ xấu”.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cũng cho rằng nền kinh tế có thể còn rơi vào giảm phát nếu tình trạng trì trệ và “cục máu đông” nợ xấu chưa được giải quyết. Tiến sĩ Thành ước tính: “Để xử lý nợ xấu một cách tròn trịa cũng phải trên dưới 3 năm. Nhưng nếu không làm, dòng tín dụng của hệ thống sẽ tiếp tục ách tắc”.

Để khơi thông dòng vốn, theo ông Thành nên rốt ráo xử lý nợ xấu và giải quyết vấn đề niềm tin của thị trường vì nó đang gặp vấn đề. Phát biểu tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp Hà Nội và ngân hàng gần đây, lãnh đạo một doanh nghiệp cũng cho rằng niềm tin trong cộng đồng cũng như giữa doanh nghiệp và ngân hàng đang lung lay. Công ty của bà làm ăn hơn 11 năm, chưa một lần trả chậm lãi và cũng chưa lần nào phải cơ cấu lại nợ nhưng vẫn khó được ngân hàng tin tưởng giải ngân. Nữ doanh nhân này còn cho biết: "Điều đáng buồn là giờ đây, các doanh nghiệp chúng tôi không còn tin nhau, cũng không còn tin doanh nghiệp. Ngày nào cũng phải rà soát các hợp đồng, xem khách hàng có vấn đề gì không, nếu có là đến đòi nợ ngay".

Ông Võ Trí Thành nhận định: "Lượng tiền bây giờ không phải nhỏ, tổng tín dụng toàn nền kinh tế cũng khoảng 2,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu lòng tin trở lại thì dòng tiền sẽ quay mạnh hơn, tính phòng thủ của các đồng tiền sẽ giảm đi".

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG