Nền giáo dục 'dạy thêm'

Nền giáo dục 'dạy thêm'
TP - Tại Hà Nội, TPHCM và một số thành phố khác trên cả nước, hiện tượng một bộ phận giáo viên có thu nhập khủng hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu mỗi tháng nhờ dạy thêm không hiếm.

> Dạy thêm phải nộp thuế: Liệu có khả thi?
> Dạy thêm phải đóng thuế

Có lẽ chính vì lý do này mà trong dự thảo về dạy thêm, học thêm mới đây của Bộ GD&ĐT có phần quy định nghĩa vụ nộp thuế của người dạy thêm.

Trước tiên, nên hiểu rằng việc nộp thuế khi có phát sinh thu nhập là nghĩa vụ của mỗi công dân theo luật định. Trong xã hội việc giáo viên hay bác sĩ giỏi, có thu nhập cao từ việc dạy thêm, khám thêm một cách đường hoàng, chính đáng, đóng thuế đầy đủ là chuyện bình thường, bởi họ xứng đáng được như vậy.

Câu chuyện đáng lo, đáng báo động hơn là những cái na ná như vậy đang tràn ngập khắp nơi. Hay nói cách khác thu nhập cao không đến một cách “đường hoàng, chính đáng” mà núp bóng hai chữ “tự nguyện”.

Cái hại lâu dài, âm ỉ của nạn dạy thêm học thêm chính là việc nó nuôi dưỡng căn bệnh thành tích trong giáo dục, điều mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thời còn đứng đầu ngành giáo dục đã phát động phòng trào “hai không”: “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”.

Có đáng báo động không khi một lớp học cấp tiểu học có tới 90% HS đạt học lực giỏi, một lớp học THCS cũng tới già nửa lớp là học sinh giỏi ? Điều lạ là, cái danh hiệu ảo này dường như đã “ngấm vào máu” không ít phụ huynh, học sinh, khiến vòng xoáy của nạn dạy thêm, học thêm dường như không có đường ra.

Nạn dạy thêm, học thêm vì thành tích ảo, vì thu nhập của giáo viên đã và đang làm méo mó nền giáo dục nước nhà. Thử hỏi, những thế hệ học sinh của căn bệnh thành tích trong giáo dục sẽ ra sao khi các em trở thành những chủ nhân của đất nước ? Liệu chất lượng nguồn nhân lực có đảm bảo một khi mỗi học sinh trên ghế nhà trường vẫn chưa có một môi trường thực sự là học thật, dạy thật.

Hãy bắt đầu dạy thật, học thật khi còn chưa muộn ! Đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, và trước hết là của mỗi gia đình. Muốn vậy, trước hết ngành giáo dục cần thể hiện một triết lý giáo dục rõ ràng trong cách dạy và học, cách thi cử. Chừng nào học sinh và cả thầy cô còn tư duy học để thi, chứ không phải học để lấy kiến thức, chừng đó bệnh thành tích, nạn dạy thêm học thêm vẫn tiếp tục còn đất để phát triển.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.