Nên cho phép mang thai hộ

Nên cho phép mang thai hộ
Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật hôn nhân gia đình năm 2000 đang được chuẩn bị để trình Quốc hội trong thời gian tới. Trong đó, chuyện cho phép hay không việc mang thai hộ đang được xem xét, nghiên cứu. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm.

Nên cho phép mang thai hộ

> Cho phép mang thai hộ, cấm đẻ thuê?
> Bi kịch cuộc đời nữ doanh nhân thuê người đẻ con cho chồng
 

Nên cho phép mang thai hộ ảnh 1

Gần 1 tuổi, bé O. mới có được giấy khai sinh. Quê và hộ khẩu thường trú của ba bé ở Quảng Ninh, mẹ ở Hải Phòng, hiện bé và ba đang sống ở TP.HCM nhưng giấy khai sinh của bé lại được làm ở một tỉnh... miền Trung. Sở dĩ có chuyện rắc rối như trên là vì bé O. là con của một người cha đồng tính và mẹ bé được coi là người mang thai hộ.

Gian nan đường tìm con

Vì mục đích nhân đạo

“Có những chị rất xinh đẹp, nữ tính, họ khao khát có con mà không thể, nên chúng tôi vẫn tư vấn các chị có thể nhờ em gái, chị gái, cháu gái mang thai hộ nếu muốn sinh con. Em gái, chị gái họ cũng rất sẵn sàng. Trong những trường hợp đặc biệt như dị dạng đường sinh dục, bị cắt bỏ tử cung do bệnh lý như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung... khi chưa có con hoặc chưa đủ con, bị bệnh lý không thể mang thai... thì pháp luật nên có điều khoản cho phép họ. Đó cũng là quy định nhân văn và tránh việc mua bán, gian lận và các mục đích không nhân đạo”- TS Vũ Bá Quyết đề nghị.

Vẻ mặt hạnh phúc của một người được làm cha ở tuổi 35, nhưng ba bé O. nói “chỉ nghĩ cũng thấy hoảng về con đường đã đi”. Là một người đồng tính sống cùng bạn trai tại TP.HCM, đã nhiều năm nay anh day dứt vì tội bất hiếu “không có người nối dõi”.

“Ba tôi bỏ đi để lại mẹ và hai anh em tôi, nhưng em tôi không may mắc bạo bệnh đã qua đời, mẹ tôi tuyệt vọng vì có hai thằng con trai mà không có cháu. Vì thế mẹ cứ lủi thủi ở Quảng Ninh, nói khi nào tôi có con sẽ vào sống cùng. Mà hoàn cảnh tôi vậy thì làm sao có con? Chính tôi cũng tìm cách, rồi bạn bè mách nước, gần hai năm trước tôi tìm được mẹ bé O. để thỏa thuận nhờ mang thai giùm” - ba bé O. tâm sự.

Nói nghe thì đơn giản, nhưng để “làm” được việc như ba bé O. đã làm hoàn toàn không dễ dàng. Mẹ bé O. vốn đã có gia đình êm ấm và hai đứa con ngoan, chẳng may vỡ nợ, chị quyết định cho trứng và mang thai bé O. theo phương pháp bơm tinh trùng để nhận 200 triệu đồng tiền “công”, chưa kể chi phí chăm sóc sức khỏe, bồi dưỡng, phí ăn ở... trong suốt quá trình mang thai.

Chồng chị cũng đồng ý. “Hợp đồng” ghi rõ chị không có tên trong giấy khai sinh và hoàn toàn không được liên lạc với bé sau này. Thế nhưng khi bé O. ra đời, việc khai sinh lại không dễ dàng như thỏa thuận của hai người.

“Tôi đã mất đúng 11 tháng để lo giấy khai sinh cho con. Cán bộ tư pháp nơi tôi đăng ký hộ khẩu thường trú nói phải có tên mẹ và có giấy chứng sinh, giấy đăng ký kết hôn mới làm khai sinh được. Không thực hiện được phương án 1, quay về quê mẹ bé để làm khai sinh, chấp nhận để mẹ bé O. đi khai sinh thì cũng bị đòi giấy chứng nhận kết hôn. Có người bày cho tôi cách để bé ngoài cổng nhà rồi hô lên là nhặt được trẻ bỏ rơi, nhưng tôi nghĩ con mình thật sự, làm sao lại phải diễn?”. Ba bé O. cho biết việc làm giấy cho bé thật khổ sở.

Pháp luật vị con người

Mẹ bé O. không phải là trường hợp mang thai hộ hiếm hoi trên thực tế ở VN. Ba bé O. cho hay trong giới đồng tính có rất nhiều người có nhu cầu làm cha hoặc làm mẹ, có người đã có đủ tinh trùng và trứng, đã chờ đợi hơn một năm nay tìm người mang thai hộ.

TS Vũ Bá Quyết, phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, cho hay hầu như tháng nào bệnh viện ông cũng nhận điều trị vài trường hợp dị dạng đường sinh dục, không có âm đạo, nhưng xét nghiệm nhiễm sắc thể thì rõ ràng đây là nữ, soi ổ bụng thấy buồng trứng đẹp và rất đều. TS Quyết và các đồng sự đã thực hiện phẫu thuật tạo hình âm đạo để các chị có thể lập gia đình, nhưng cái khó là không thể sinh con.

Theo TS Vũ Bá Quyết, trước đây ung thư tử cung hay gặp ở người già, nhưng gần đây có cả những người bị ung thư tử cung khi mới 20 tuổi. Khi bệnh ổn định rồi thì họ, như những phụ nữ bình thường khác, có khao khát được làm mẹ.

“Về luật pháp thì quy định hiện nay chưa cho phép mang thai hộ, nhưng xã hội có khá nhiều trường hợp phải nhờ mang thai hộ. Họ chẳng may rơi vào hoàn cảnh không thể mang thai được và buộc phải đi nhờ vì họ thật sự mong muốn một đứa con đẻ, là máu thịt của mình, trong nước không được thì ra nước ngoài để thuê mang thai hộ” - TS Quyết cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Hải (Vụ Pháp luật dân sự kinh tế Bộ Tư pháp, thành viên tổ biên tập dự án sửa đổi một số điều Luật hôn nhân gia đình năm 2000) cho biết vấn đề cho phép hay không cho phép mang thai hộ đang được xem xét nghiên cứu.

“Hiện nay đang có hai nhóm quan điểm: không nên cho phép mang thai hộ vì những vấn đề liên quan đến văn hóa và đạo đức, quan điểm thứ hai là nên chấp nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong trường hợp chấp nhận, quy định này phải gắn với những yêu cầu chặt chẽ, đảm bảo việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Về cơ bản, đa số ý kiến thống nhất cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” - ông Hải cho biết.

Luật sư Võ Thị Lài (Đoàn luật sư TP.HCM): Có thể điều chỉnh luật

Hiện nay chưa có một định nghĩa chính thức nào về việc mang thai hộ, vì thế nên có nhiều cách hiểu và cách nghĩ khác nhau. Cách nghĩ thông thường nhất mang thai hộ có nghĩa là tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ mong con đã được cho thụ tinh thành phôi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và được đưa vào cơ thể người phụ nữ khác để nhờ mang thai. Còn trong trường hợp tinh trùng của người chồng nhưng trứng của người mang thai thì không thể gọi là mang thai hộ.

Theo tôi, pháp luật nên cho phép mang thai hộ, vì nhiều phụ nữ không có khả năng mang thai, điều này thể hiện tính nhân đạo của pháp luật. Nhưng cần quy định chặt chẽ để việc mang thai hộ không biến tướng thành kinh doanh và sẽ kéo theo nhiều hệ quả pháp lý khác. Nên quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, nhất là quyền của đứa bé như các quyền nhân thân, quyền thừa kế của trẻ đối với người nhờ mang thai và người mang thai hộ.

Cũng cần chú ý chuyện có thể phát sinh tranh chấp quyền nuôi đứa bé giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai, và không loại trừ khả năng muốn vòi vĩnh tiền của người nhờ mang thai hộ. Thế nên cần phải có những quy định pháp luật cụ thể.

Theo Lan Anh - Tâm Lụa
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG