Nâng tầm lao động Việt

Nâng tầm lao động Việt
TP - Việc xây dựng một đội ngũ lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường đang là vấn đề nan giải đối với Việt Nam. Cách nào để lao động Việt Nam trở thành một thương hiệu mạnh, Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Gyorgy Sziraczki - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

> Chuyện ‘ngồi chơi xơi nước’ và lương ‘ba cọc ba đồng’
> Hơn 1,3 triệu người thiếu việc làm

Năng suất thấp

Ông Gyorgy Sziraczki cho biết, từ năm 2008-2012, năng suất lao động của Việt Nam liên tục giảm. So với các nước trong khu vực là rất thấp, đây là thách thức lớn, tác động đến sự phát triển của Việt Nam.

Ông có thể cho biết năng suất lao động Việt Nam đang ở ngưỡng nào?

 “Việc đào tạo nghề phải nhìn thấy trước được tương lai, đoán được nền kinh tế sắp tới thế nào, ngành nghề chính giúp kinh tế phát triển là gì”. 

Ông Gyorgy Sziraczki -
Giám đốc ILO tại Việt Nam

Nếu so sánh, năng suất lao động của Singapore có mức tăng trưởng cao hơn Việt Nam tới 15 lần, Nhật Bản hơn 11 lần, Hàn Quốc hơn 10 lần... Điều này cho thấy, đang có một khoảng cách rất lớn giữa chất lượng lao động Việt Nam và các nước phát triển. Với các nước đang phát triển trong khu vực ASEAN, chất lượng lao động Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan...

Nguyên nhân do đâu thưa ông?

Chủ yếu là do yếu tố giáo dục và kỹ năng đào tạo. Việt Nam mong muốn đi từ sản xuất đại trà, chi phí thấp lên một nền sản xuất có giá trị gia tăng cao. Muốn vậy, đòi hỏi phải có một đội ngũ lao động có kỹ năng và tay nghề. Nhưng hệ thống đào tạo nghề hiện nay ở Việt Nam chưa làm được việc đó.

Nghĩa là việc đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu doanh nghiệp?

Việc đào tạo nghề phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp (DN). Các DN phải đến các cơ sở đào tạo để giao lưu với học viên và học viên được đến thăm các DN để tìm hiểu về quy trình sản xuất. Việc trao đổi này giúp hai bên cùng có lợi, người học nghề có việc làm phù hợp, còn DN có nguồn lao động chất lượng như mong muốn.

Hiện, ở Việt Nam đã có chương trình nào giúp DN và người học nghề gắn kết với nhau?

Tôi được biết, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã đưa chương trình “Biết về kinh doanh” của ILO (chương trình này đang được gần 60 quốc gia áp dụng - PV) vào chương trình đào tạo. Mục đích là nhằm giúp học sinh nắm được những khái niệm cơ bản về kinh doanh. Qua chương trình này, giúp học viên có cơ hội đến với các Cty để tham quan, học hỏi.

Việc làm trên rất quan trọng vì tại Việt Nam hiện đã có mặt nhiều Cty đa quốc hoạt động. Những Cty này đang có nhu cầu rất lớn về nguồn lao động chất lượng cao. Nếu dạy nghề gắn với nhu cầu của các Cty lớn này sẽ giúp năng suất lao động cao hơn. Từ đó, sẽ giúp thu nhập của lao động tốt hơn và kinh tế Việt Nam sẽ phát triển cao hơn.

Học thuật cao, xa rời thực tế

Nâng tầm lao động Việt ảnh 1
 

Việc hình thành một thương hiệu cho lao động để sánh ngang các nước phát triển rất quan trọng, theo ông Việt Nam nên làm gì?

Tôi thấy chương trình đào tạo nói chung ở Việt Nam đang mang tính học thuật cao, xa rời thực tế. Nếu không thay đổi, sẽ là cản trở lớn nhất đến phát triển. Do đó, Việt Nam cần cải thiện mối quan hệ giữa nhu cầu và học thuật. Hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài nghĩ tới nhu cầu hôm nay, cần phải nghĩ đến nhu cầu mai sau. Nếu chỉ tập trung vào học thuật và áp dụng chương trình đào tạo theo nhu cầu hiện nay, chắc chắn trong tương lai gần sẽ bị lỗi thời. Việc đào tạo nghề phải nhìn thấy trước được tương lai, đoán được nền kinh tế sắp tới thế nào, ngành nghề chính giúp kinh tế phát triển là gì...

Nhưng cái khó hiện nay, đa số phụ huynh Việt Nam chỉ thích con mình học đại học?

Đúng là đa số phụ huynh Việt Nam chỉ mong con mình học đại học mà không muốn vào các trường nghề. Điều này phần nào thể hiện chất lượng của nền giáo dục Việt Nam là thầy nhiều hơn thợ. Theo tôi, cần phải làm thay đổi lối tư duy này. Ở Mỹ, bạn có thể thành công mà không cần phải có bằng thạc sĩ hay tiến sỹ. Nhiều công dân Mỹ chỉ có trình độ cấp hai, nhưng lại rất nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Để thanh niên Việt Nam nâng cao tay nghề, ILO sẽ có chương trình gì để giúp Việt Nam?

Chúng tôi có những chương trình hỗ trợ về chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nghề cho Việt Nam. Tới đây, chúng tôi tổ chức diễn đàn quốc gia về những thách thức trong việc phát triển kỹ năng nghề cho lao động Việt Nam.

Ngoài ra, sau thành công của việc đưa bộ giáo trình “Biết về kinh doanh” vào giảng dạy, tới đây, giáo trình thứ hai có tên “Khởi sự doanh nghiệp” sẽ được ILO phối hợp cùng Việt Nam đưa vào các trung tâm dạy nghề. Khi học xong giáo trình này, học viên sẽ biết cách làm thế nào để tạo dựng một DN.

ILO cũng sẽ phát triển những công cụ đào tạo ngắn hạn cho việc phát triển du lịch như mở các dịch vụ “home stays” để giúp thanh niên nghèo nông thôn hưởng lợi từ tiềm năng du lịch... Với những việc làm cụ thể này, sẽ góp phần thúc đẩy thay đổi nhận thức cho các bậc phụ huynh. Để họ hiểu rằng, sau 4 năm con học đại học có thể thất nghiệp; nhưng nếu học nghề tốt, con họ đi đâu cũng có việc làm cho thu nhập cao.

Cảm ơn ông!

Từ năm 2008-2012, năng suất lao động của Việt Nam liên tục giảm. So với các nước trong khu vực là rất thấp, đây là thách thức lớn, tác động đến sự phát triển của Việt Nam.

 

PHONG CẦM
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.