Nắng nóng và thiếu điện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mấy ngày qua, nắng nóng trên diện rộng đã làm cho người dân trên cả nước đối mặt khó khăn. Số đông người dân ở thành phố đã sử dụng điều hòa và các thiết bị tiêu hao điện làm cho “sức nóng” của vấn đề thiếu điện trở nên nghiêm trọng hơn.

Thông tin ngày 22/5 cho thấy, ngành điện đang đối mặt khó khăn chưa từng và rất khó khăn trong cân đối nguồn điện khi nước ở hồ đã cạn và than phải đi vay mượn...

Thống kê cho thấy, trên toàn quốc, đã có 17/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết. Có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La (chỉ đủ cho 2 ngày hoạt động đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày),… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của Quy trình vận hành liên hồ chứa. Theo tính toán, lượng nước còn lại trong các hồ thủy điện toàn hệ thống thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022. Một con số khủng khiếp về nguồn điện của bất cứ quốc gia nào nếu nhìn vào tỷ trọng cơ cấu thủy điện chiếm tới 29% nguồn như ở Việt Nam hiện nay.

Theo công bố của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, khả năng phát điện hiện nay của các nhà máy điện gió ở nhiều địa phương chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy do điều kiện gió kém. Đáng lo ngại hơn, hệ thống điện đã không còn công suất dự phòng. Nghĩa là chỉ cần nhu cầu điện tiếp tục tăng, việc thiếu điện, cắt điện luân phiên hoàn toàn khó tránh khỏi trong những ngày tới, tháng tới.

Thực tế cho thấy, những ngày qua, tình trạng cắt điện, nhảy aptomat do quá tải đã diễn ra ở nhiều địa phương. Ngành điện cũng thừa nhận tình trạng này và đang phải gồng hết sức để không rơi vào cảnh đứt nguồn. Hiện tất cả các nguồn điện trên toàn quốc đã được huy động, kể cả những nguồn nhiệt điện chạy dầu DO, FO có giá thành lên tới hơn 6.000 đồng/kWh.

Đã có nhiều ý kiến đề xuất Chính phủ cần ngay lập tức có những chế tài đủ khắc nghiệt đi kèm các chính sách giám sát việc thực hành tiết kiệm điện của các hộ kinh doanh, công sở, hộ gia đình. Việc áp dụng có thể làm như ở Nhật Bản: Khi thiếu điện, Chính phủ ra quy định buộc người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chính quyền phải tiết kiệm điện với các quy định cụ thể về việc mấy giờ mới bật điều hòa, mấy giờ thì tắt, để nhiệt độ bao nhiêu, thậm chí công chức đi làm không được mặc áo vest để tiết kiệm điện.

Nếu chỉ cần đảm bảo điện cho nền kinh tế vượt qua mùa khô và cả trong năm 2023, ngành điện rồi cũng sẽ co kéo được, vấn đề chỉ là mức lỗ tổng kết cuối năm sẽ lên tới bao nhiêu? Nhà nước sẽ mất thêm bao nhiêu vốn tại tập đoàn này?

Lời cảnh báo về “cái chết” từ từ của EVN cũng hoàn toàn có cơ sở nếu vẫn tiếp diễn cơ chế giá than, giá khí, chi phí mua điện theo giá thị trường nhưng bị khống chế giá bán theo quy định hiện nay. Bài học về đứt nguồn xăng dầu năm 2022 do chậm điều chỉnh chi phí cũng sẽ dễ dàng lặp lại tương tự với ngành điện. Và khi đó, bài toán thiếu điện cho phát triển kinh tế sẽ sớm lặp lại như giai đoạn trước đây.

MỚI - NÓNG