Theo hệ thống cảnh báo của Cục Kiểm lâm, đến 14 giờ chiều nay (3/7), nhiều khu vực ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã lâu ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Đáng lưu ý, ở cấp V, nếu có cháy xảy ra thì các kiểu rừng đều dễ bắt lửa với tốc độ lan rất nhanh.
Theo đó, ở khu vực Thanh Hóa có các huyện: Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc; Nghệ An có huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp; Hà Tĩnh có Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Can Lộc và Quảng Bình Đồng Hới, Tuyên Hóa.
Cháy rừng đã xảy ra ở một số tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị…Trước tình hình trên, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) có công điện khẩn, đề nghị các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khẩn cấp có giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các các tỉnh thành nói trên, kiểm tra, rà soát kỹ các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cấp và từng chủ rừng.
Xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các lực lượng phù hợp theo phương châm “bốn tại chỗ”, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn.
Các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương, làm rẫy. Quy định cụ thể khu vực nghiêm cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác trong thời kỳ khô hạn.
Tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống các trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bố trí các điểm chốt, trạm canh gác, tuần tra, duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; phát hiện kịp thời điểm cháy; hướng dẫn khách thăm quan du lịch tại những khu vực trọng điểm cháy rừng cao.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng gay gắt diện rộng ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ còn kéo dài đến ngày 6/7, với nhiệt độ ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ (trong đó có Hà Nội) phổ biến 37-40 độ C; nhiệt độ cao nhất ở các tỉnh Trung bộ phổ biến 38-40 độ C, có nơi trên 40 độ.
Cảnh báo tác động của nắng nóng: Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung bộ.