TPHCM:

Nâng đường gây bức xúc, Giám đốc Sở GTVT đổ tại… quy hoạch

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường trả lời chất vấn.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường trả lời chất vấn.
TPO - Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu HĐND TPHCM (ĐB) chiều nay, 4/8 về dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương gây bức xúc cho người dân, giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết việc nâng đường là tuân thủ quy hoạch thoát nước.

ĐB Nguyễn Văn Đạt thắc mắc: Đường nâng lên, nước đổ hết vào nhà dân. Dự án ảnh hưởng trực tiếp đến 539 hộ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thị sát, đã chỉ đạo khắc phục và hỗ trợ thiệt hại cho người dân. UBND quận Bình Tân đã có văn bản từ tháng 6 nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Người dân còn chờ đợi đến bao giờ?

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, TPHCM đang triển khai rất nhiều dự án chống ngập, có dự án hiệu quả, có dự án chưa hiệu quả, gây nhiều băn khoăn, bức xúc. Chống ngập là bài toán rất khó, hiện nay các dự án đang triển khai dựa trên ba quy hoạch (QH) chính, bao gồm:

Quyết định số 752 của Thủ tướng Chính phủ năm 2001 QH tổng thể thoát nước đến năm 2020. QH thứ hai là Quyết định 1547 QH thủy lợi chống ngập úng phê duyệt năm 2008 và QH thứ ba là QH điều chỉnh chung khu vực TPHCM tại Quyết định 24. Cốt xây dựng đang thực hiện tại 13 quận nội thành cũ quy định cao độ khống chế lớn hơn 2 m, từng khu vực cao độ tính toán phù hợp.

Theo ông Cường, QH 752 thoát nước mưa cho 6 lưu vực của thành phố với diện tích 570 km2. Trong quy hoạch này, cốt nền khống chế ngập do mưa và triều là 1,32 m. Đến QH 1547, do đã làm 13 cống ngăn triều và đê bao kiểm soát triều nên cao độ xây dựng hạ xuống 1,1 m.

Nâng đường gây bức xúc, Giám đốc Sở GTVT đổ tại… quy hoạch ảnh 1

Đường Kinh Dương Vương dự kiến nâng cao cả thước để chống ngập, nhà dân ven đường trở thành hang.

Trong quá trình thực hiện, có một số khu vực giao thoa giữa QH thoát nước 570 km2 và QH chống ngập, trong đó có dự án đường Kinh Dương Vương. Trong quá trình thiết kế dự án, toàn bộ các khâu, từ cao độ, quá trình khảo sát lập dự án cũng như công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật …đã lấy ý kiến người dân và mời Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TPHCM phản biện.

Ông Bùi Xuân Cường cho biết theo QH, cốt xây dựng đường Kinh Dương Vương phải từ 2 m trở lên nhưng qua thẩm định, các đơn vị chức năng thống nhất lấy mức 1,71 m, thấp hơn 29 cm so với QH và chấp nhận tần suất ngập là 4% (100 năm xảy ra 4 lần).

“Như vậy, dự án tuân thủ quy hoạch. Tuy nhiên, dự án gây nhiều bức xúc, ảnh hưởng đến người dân. Chúng tôi đánh giá nguyên nhân là do chúng ta triển khai chậm (3 năm) do vướng giải phóng mặt bằng, bố trí vốn. Ngoài ra, việc lấy ý kiến người dân, khi lập dự án, triển khai thiết kế,… công tác tham vấn, giám sát cộng đồng chưa được tuân thủ”, ông Cường nói.

Về khắc phục, ông Cường cho biết đã yêu cầu chủ đầu tư thiết kế lại cho từng trường hợp bị ảnh hưởng, lấy ý kiến các hộ dân về chọn một trong các phương án như giữ nguyên cao độ mặt đường hiện nay và hạ vỉa hè xuống (10 cm, 35 cm, 65 cm) hoặc hạ đồng thời mặt đường, vỉa hè (giảm 25 cm). Phiếu thăm dò đã gửi đến 539 hộ dân và có 75% phản hồi.

Theo đó, 161 ý kiến chọn phương án 1 giữ nguyên thiết kế. 80 ý kiến đồng ý phương án 2 hạ vỉa hè xuống 35 cm so với quy hoạch. 68 ý kiến chọn phương án 3 hạ vỉa hè xuống 60 cm. 47 ý kiến đề nghị hạ cao độ mặt đường.

Từ ý kiến người dân, Sở GTVT và Trung tâm chống ngập thống nhất hạ cao độ đường Kinh Dương Vương, điều chỉnh độ dốc và bổ sung thêm trạm bơm hỗ trợ công suất 42.000 mét khối/giờ để giảm ngập cho khu vực dân cư.

“Về vấn đề hỗ trợ, UBND TPHCM đang xem xét cơ chế. Nếu không làm dự án đường Kinh Dương Vương, khu vực này cũng thường xuyên bị ngập. Nâng đường, cải tạo hệ thống thoát nước sẽ giảm ngập”, ông Cường cho biết.

MỚI - NÓNG
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
Tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên có 2.200 'tai, mắt' của công an nhân dân
TPO - Lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk tiếp tục quan tâm đầu tư, mua sắm, trang bị, bảo đảm các chế độ chính sách, mức hỗ trợ thường xuyên và bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Xem đây là lực lượng “đồng hành”; là “tai, mắt”; là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân.