Ngày 25/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Theo Nghị quyết của Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định quyết định phê duyệt dự án thành phần được Thủ tướng Chính phủ phân cấp làm cơ quan chủ quản.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 44.691 tỷ đồng. |
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành nói trên và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Cho phép UBND các tỉnh, thành phố trên triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án...
Về cơ chế đặc thù khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ dự án, đối với các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực ĐBSCL, UBND cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác.
Nội dung giấy phép khai thác (điều chỉnh) phải xác định đơn vị sử dụng khoáng sản là nhà thầu thi công dự án. Sau khi đã khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án thì dừng việc nâng công suất, tiếp tục khai thác theo công suất quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.
Tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát, đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông theo quy định pháp luật; chịu mọi trách nhiệm trong việc bảo đảm các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác; không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.
Nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác: Trước khi khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND cấp tỉnh nơi có mỏ khoáng sản.
Thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Sau khi đã khai thác khoáng sản đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ khoáng sản và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.