Nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân về chống biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thời gian qua, Nghệ An chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu như xuất hiện tình trạng thời tiết cực đoan, giông lốc, nắng nóng gay gắt với tần suất nhiều và khó đoán. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Để có cái nhìn đa chiều và nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân, Báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với ông Đào Duy Tâm - Trưởng phòng Phòng Tài nguyên nước, biển đảo, Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở TNMT Nghệ An).

PV: Xin ông chia sẻ về tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh và xu hướng, tác động đến tương lai?

Ông Đào Duy Tâm: Những tháng đầu năm 2024 ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng đang ảnh hưởng bởi giai đoạn chuyển đổi từ pha nóng El Nino sang pha trung tính và sắp tới sẽ chuyển sang pha lạnh La Nina. Cụ thể, từ nay đến hết tháng 6/2024, El Nino chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80-85% và chuyển nhanh sang La Nina trong khoảng tháng 7-8/2024 với xác suất 60-65%. Như vậy, chỉ trong 1 năm, chúng ta phải sẽ trải qua 3 pha của thời tiết gây ra sự biến động bất thường. Sự chuyển pha trong giai đoạn giao mùa và hiện tượng nóng lên của toàn cầu làm cho quy luật thời tiết bị xáo trộn, gây ra nhiều nắng nóng cực đoan cũng như mưa đá, tố lốc thất thường hơn.

Nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân về chống biến đổi khí hậu ảnh 1

Lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An) hạn hán cạn trơ đáy vào năm 2019.

Tại Nghệ An, đã xảy nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với các con số kỷ lục. Cụ thể, vào cuối tháng 4 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao vượt mức lịch sử. Đợt nắng nóng đã gây ra một đợt hạn diện rộng và xâm nhập mặn ở vùng hạ du ven biển của tỉnh Nghệ An. Theo số liệu đo được, độ mặn tại sông khu vực phường Bến Thủy (thành phố Vinh) đã vượt mức lịch sử với 26% so với 20% vào năm 2007; Mực nước trên các sông như sông Cả (huyện Nam Đàn), sông tại thị trấn Thạch Giám (huyện Tương Dương), sông Hiếu (tại xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn) đều đo được thấp hơn so với mực nước thấp lịch sử từng đo được nhiều năm trước.

Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn tỉnh có mưa nhiều hơn nên tình hình xâm nhập mặn đã được cải thiện. Tuy nhiên, do các hồ chứa thuỷ điện phía thượng nguồn không phát điện theo điều động của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia A0 nên tình trạng hạn hán vẫn xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

BĐKH, mà cụ thể là hạn hán sẽ gây thiếu nước cho nông nghiệp, sinh hoạt, giao thông đường thuỷ và mất cân bằng môi trường sinh thái. Ngoài ra còn có khả năng gây cháy rừng. Xâm nhập mặn làm thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thuỷ sản vùng cửa sông ven biển. Ngoài ra xâm nhập mặn còn ảnh hưởng đến chất lượng của các công trình thuỷ lợi.

BĐKH đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt trong cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh từ việc sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, dịch bệnh gia tăng và gây thiệt hại lớn về kinh tế. BĐKH cũng gây ra thời tiết cực đoan và thiên tai kéo dài như: lũ lụt, bão tố, giông lốc, mưa đá, sạt lở…

Nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân về chống biến đổi khí hậu ảnh 2Nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân về chống biến đổi khí hậu ảnh 3

Biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, mưa đá, sạt lở.

PV: Thời gian qua, Sở Tài nguyên Môi trường đã có những giải pháp gì nhằm bảo vệ môi trường, góp phần chống biến đổi khí hậu?

Ông Đào Duy Tâm: Thời gian qua, Sở TNMT Nghệ An đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ môi trường, góp phần vào chống BĐKH trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sở đã tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050. Rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu kinh tế ở các địa phương ven biển, vùng đồng bằng thấp gần biển chịu ảnh hưởng của nước biển dâng và thiên tai.

Hướng dẫn lồng ghép các nội dung thích ứng BĐKH, nước biển dâng vào quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Quy hoạch, phát triển đô thị và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng nâng cao tính chống chịu BĐKH và giảm ô nhiễm môi trường; chủ động lồng ghép quy hoạch thông tin và truyền thông trong các quy hoạch có liên quan đến phòng chống thiên tai, phòng thủ dân sự, tài nguyên, môi trường nhằm tạo sự đồng bộ, vững chắc về hạ tầng. Tích cực triển khai thực hiện dùng chung hạ tầng nhằm tiết kiệm nguồn lực, tài nguyên đất, nguồn điện vận hành; tiến hành thí điểm điện mặt trời tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa để vận hành hệ thống thông tin; ứng dụng các công nghệ mới tiết kiệm điện.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo sớm các hiện tượng khí hậu cực đoan, bao gồm cả hệ thống thông tin trên cơ sở trang thiết bị hiện đại và trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ của cán bộ chuyên môn được nâng lên. Tiếp tục nâng cao nhận thức về BĐKH đến toàn thể các tầng lớp nhân dân, trang bị các kiến thức cơ bản và kỹ năng cần thiết để thích ứng với các tác động tiêu cực của BĐKH và nước biển dâng. Chú trọng công tác bảo vệ và phát triển hệ thống rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đầu nguồn. Đặc biệt là công tác trồng rừng ngập mặn tại các khu vực cửa sông, ven sông nhằm ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn toàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH.

Triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015 và cập nhật kế hoạch đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030; Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng những năm qua cũng được thực hiện tốt; Vấn đề phát thải khí nhà kính được hạn chế mức thấp nhất.

Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH. Cụ thể, hàng năm UBND tỉnh và các tổ chức đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc kiện toàn Ban chỉ huy, phân công nhiệm vụ và ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cho toàn tỉnh và từng đơn vị; Phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo về khí tượng thủy văn nhằm chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ các tác động của thiên tai, thích ứng với BĐKH; Chống ngập cho thành phố Vinh và các đô thị ven biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Xây dựng các cơ sở hạ tầng đô thị chống chịu với tác động của BĐKH.

Nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân về chống biến đổi khí hậu ảnh 4

Ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân sẽ góp phần việc chống biến đổi khí hậu.

PV: Sở có đưa ra khuyến cáo, lời khuyên gì để người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai?

Ông Đào Duy Tâm: Trong công cuộc bảo vệ môi trường, chống BĐKH thì người dân có vai trò then chốt. Trong đó, ý thức, hành động của người dân là những điều quan trọng tạo nên sự thành công. Để đạt được điều đó, thời gian qua Sở TNMT đã tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức về BĐKH; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho người dân. Thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với BĐKH; xây dựng và duy trì hệ thống quan trắc, theo dõi cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng ở những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh của BĐKH và nước biển dâng.

Bên cạnh đó, sở thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường; sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên đến các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân, từng bước tạo thói quen, nếp sống và ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn vệ sinh trong nhân dân; tiến tới xây dựng xã hội ít chất thải, cacbon thấp, hài hòa, thân thiện với môi trường; phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với BĐKH; khuyến khích người dân, hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu luân canh, chuyển đổi mùa vụ sản xuất, sử dụng giống phù hợp với hệ thống canh tác mới; sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, các tiêu chuẩn chất lượng chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, SRP, ASC…); áp dụng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH.

Thường xuyên phối hợp các đơn vị truyền thông đăng bài, đưa tin tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và ứng phó BĐKH; tổ chức các lớp truyền thông cộng đồng về ứng phó với BĐKH, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; xây dựng các chuyên đề truyền thông về tài nguyên nước, biển và hải đảo. Tuyên truyền để người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt; tăng cường công tác quản lý thuốc kháng sinh hóa chất trong chăn nuôi và thủy sản; tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên đặc biệt là hệ sinh thái rừng tự nhiên và biển.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; kế hoạch đấu giá ‘đất vàng’ Thủ Thiêm
Địa ốc 24H: Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; kế hoạch đấu giá ‘đất vàng’ Thủ Thiêm
TPO - Gần 1,3 tỷ USD vốn ngoại đổ vào bất động sản; Kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm của TP HCM; ‘Choáng’ với giá nhà chung cư ngang ngửa giá biệt thự, liền kề; Giá bất động sản tăng cao, đánh thuế để ngăn tăng giá, đầu cơ?;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 9/9.
 5 trẻ nhập viện cấp cứu sau khi ăn quả lạ
5 trẻ nhập viện cấp cứu sau khi ăn quả lạ
TPO - Loại quả mà các em nhỏ ăn phải nhìn rất bắt mắt của loài cây mọc hoang, thường được người dân trồng làm hàng rào. Dẫu khá quen thuộc song người dân đều không biết loại quả của cây này có thể gây ra tình trạng ngộ độc nặng, tê liệt thần kinh, gây hôn mê... nếu ăn phải chúng.