Sông Đồng Nai có lưu vực trải rộng trên 11 tỉnh, thành, do trung ương quản lý song UBND tỉnh Đồng Nai lại đơn phương thu hồi giao Công ty cổ phần đầu tư kiến trúc xây dựng Toàn Thịnh Phát (TTP Corp) đầu tư dự án “cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”. Làm việc với Tiền Phong hôm qua 20/3, đại diện các cơ quan chức năng và chủ đầu tư chưa lý giải được nhiều khuất tất.
Chưa tham vấn ý kiến người dân
Chiều 20/3, tại công trường thuộc dự án “cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” tại phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, hàng trăm khối đá granit chất thành đống trên bờ sông Đồng Nai. Những chiếc cần cẩu đang hối hả chuyển đá từ sà lan lên bờ, nhiều chiếc sà lan chở đầy đá neo đậu gần đó chờ bốc dỡ hàng. Trái ngược với không khí làm việc khẩn trương, nhộn nhịp nói trên, nhiều người dân ở bờ sông đối diện nhìn sang công trường đầy vẻ lo lắng.
Sông Đồng Nai chảy qua khu vực dự án vài trăm mét chia làm hai nhánh, hình thành nên Cù Lao Phố. Nhiều người dân ở Cù Lao Phố lo ngại khi dự án hoàn thành, lòng sông bị thu hẹp sẽ làm thay đổi dòng chảy. Nước chảy xiết hơn, cuốn trôi nhà cửa, vườn tược ven sông. Làm việc với Tiền Phong vào chiều 20/3, ông Huỳnh Phúc Kiệt, Tổng giám đốc TTP Corp cho biết, đoạn bờ sông Đồng Nai phía TP Biên Hòa từ cầu Hóa An đến Cầu Ghềnh đã bị xói lở, lấn sâu vào bờ hàng trăm mét so với nguyên trạng do nạn khai thác cát bừa bãi và những bãi đá tự nhiên giữa dòng sông gây ra hiện tượng xói mòn.
Năm 2011, TTP Corp tiếp nhận dự án. Khu vực lòng sông chúng tôi thực hiện dự án có chiều rộng lên tới 980m, trong khi hai đầu khúc sông ở vị trí Cầu Ghềnh và cầu Hóa An chỉ rộng từ 400 - 500m. Thực tế, dự án không lấn sông mà chỉ khôi phục nguyên trạng bờ sông hàng chục năm trước” - ông Kiệt nói.
Ông Kiệt thừa nhận dự án mới tổ chức họp dân trong khu vực giải tỏa (hơn 20 hộ) và còn sơ sài, chưa tổ chức tham vấn rộng rãi ý kiến của người dân tại các khu vực khác có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi dự án theo chỉ đạo của thường trực tỉnh ủy Đồng Nai. Ông Kiệt cho rằng trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương. “Sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị tiếp tục tham vấn ý kiến người dân. Công ty đã tổ chức ba cuộc hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học” - ông Kiệt nói.
Nhiều khuất tất cần được làm rõ
Theo ghi nhận của Tiền Phong, một trong hai trạm cấp nước thô cho nhà máy nước thành phố Biên Hòa chỉ cách khu vực TTP Corp san lấp sông khoảng 50 m về phía thượng lưu. Ông Lê Thanh Tuấn, Chánh văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai cho rằng hoạt động san lấp gây vẩn đục dòng sông tuy ảnh hưởng đến chất lượng nước thô nhưng không đáng lo ngại.
“Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi tổ chức quan trắc chất lượng nước sông thường xuyên. Trạm bơm nước thô nằm trong phạm vi dự án nên sắp tới sẽ được di dời ra giữa sông, cách vị trí cũ khoảng 100 m. Dự án xây dựng 5 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 1.360 m3/ngày đêm nên sẽ không lo dự án gây ô nhiễm dòng sông” – ông Kiệt trấn an.
Trong buổi làm việc với Tiền Phong, ông Lê Thanh Tuấn chưa lý giải được căn cứ vào đâu Sở tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi và cấp hơn 7,7 ha mặt nước sông cho Công ty TTP Corp, trong khi sông Đồng Nai là tuyến sông do trung ương quản lý. Ông Huỳnh Phúc Kiệt cho Tiền Phong biết việc triển khai dự án lấp sông, xây dựng cao ốc quy mô từ 20 -22 tầng đã được Cục Quản lý đường sông (Bộ Giao thông vận tải) và Bộ Quốc phòng có công văn chấp thuận nhưng chưa cung cấp văn bản.
Trước câu hỏi của Tiền Phong liệu dự án có vi phạm hành lang an toàn của sông Đồng Nai hay không? Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai trả lời: “Vị trí kè thuộc dự án nằm ngoài luồng và hành lang bảo vệ luồng trên sông Đồng Nai, về mặt giao thông thủy là phù hợp(?!)”.
Ông Mạnh (ngụ khu phố 1, phường Bửu Hòa) nói: Người dân chỉ cần xây vài viên gạch trong hành lang bảo vệ bờ sông để chống xói lở, ổn định cuộc sống đã bị lập biên bản, buộc phải tháo dỡ, còn doanh nghiệp thì được cấp phép san lấp sông, xây cao ốc hàng chục tầng để kinh doanh.
Thường trực tỉnh ủy yêu cầu báo cáo
Trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Lục Hòa cho biết thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh làm rõ báo cáo Tỉnh ủy những vấn đề báo chí đã phản ánh (trong đó có Tiền Phong) về dự án “nắn sông”Đồng Nai.