Năm bức ảnh rung chuyển thế giới

0:00 / 0:00
0:00
“Sự khủng khiếp của chiến tranh”
“Sự khủng khiếp của chiến tranh”
TP - Trong số 100 bức ảnh có ảnh hưởng nhất thế giới mọi thời đại (theo bình chọn của tạp chí Mỹ Time), có 3 bức được chụp tại Việt Nam. Điểm chung của 100 bức ảnh là chúng là bước ngoặt trong trải nghiệm của con người, định hình cách chúng ta nghĩ hoặc trực tiếp thay đổi cách chúng ta sống.

Sự khủng khiếp của chiến tranh

Ngày 8/6/1972, Huỳnh Công Út (Nick Út), phóng viên ảnh người Việt Nam làm việc cho hãng tin Mỹ AP, đang ở Tây Ninh thì thấy một bé gái trần truồng vừa la hét vừa chạy về phía ông. Lúc đó, Nick Út tự hỏi sao bé gái lại không mặc quần áo? Sau đó, ông nhận ra cô bé bị trúng bom napalm (bom được nhồi chất cháy napalm có nhiệt độ cháy 800-1.000 độ C, nhanh chóng giết chết hoặc gây tàn phế ghê gớm cho nạn nhân). Nick Út dội nước rồi đưa cô bé tới bệnh viện. Bệnh nhân 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc bị bỏng độ ba với 30% diện tích cơ thể, tưởng chừng không qua khỏi.

Bức ảnh “Sự khủng khiếp của chiến tranh” (nhiều người Việt quen với cái tên “Em bé napalm”) của Nick Út nhanh chóng trở thành một biểu tượng cho sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam. Sau khi biết tin Tổng thống Mỹ Richard Nixon nghi rằng ảnh đã bị chỉnh sửa, Nick Út nói: “Đối với tôi, và rõ ràng là đối với nhiều người khác nữa, tấm ảnh không thể nào thực hơn. Tấm ảnh cũng xác thực như chính cuộc chiến Việt Nam vậy. Sự khủng khiếp của Chiến tranh Việt Nam được tôi ghi lại không cần phải chỉnh sửa”. Năm 1973, Nick Út được trao giải Pulitzer cho bức ảnh. Cùng năm đó, Mỹ chấm dứt can dự chiến tranh Việt Nam.

Nhà sư tự thiêu

Năm bức ảnh rung chuyển thế giới ảnh 1

“Nhà sư tự thiêu”

Thời điểm tháng 6/1963, hầu hết người Mỹ không thể tìm thấy Việt Nam trên bản đồ, nhưng không ai quên được quốc gia Đông Nam Á bị chiến tranh tàn phá sau khi phóng viên ảnh Malcolm Browne của hãng tin AP chụp được hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên đường phố Sài Gòn. Browne nhận được tin sắp có sự kiện phản đối chính quyền của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đàn áp tôn giáo, ra sức dập tắt hoạt động đấu tranh của Phật giáo. Sáng 11/6/1963, tại ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là đường Cách mạng tháng 8- Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM), Browne thấy hai nhà sư dùng can xăng 20 lít đổ lên một vị hòa thượng lớn tuổi đang ngồi.

Hành động vị pháp thiêu thân của Hòa thượng Thích Quảng Đức trở thành một dấu hiệu của sự dễ biến động ở Việt Nam. Bức ảnh “Nhà sư tự thiêu” đã buộc người ta đặt câu hỏi về sự dính dáng của Mỹ với chính quyền Ngô Đình Diệm và sớm dẫn đến quyết định của chính phủ Mỹ là không can thiệp vào cuộc đảo chính tháng 11/1963. Xem bức ảnh của Browne (được trao giải Pulizer và giải ảnh báo chí thế giới của năm), Tổng thống Mỹ John Kennedy thốt lên: “Không có bức ảnh báo chí nào trong lịch sử lại tạo ra nhiều cảm xúc khắp thế giới như bức này”.

Hành hình ở Sài Gòn

Năm bức ảnh rung chuyển thế giới ảnh 2

“Hành hình ở Sài Gòn”

Hôm 1/2/1968, hai ngày sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân bùng phát, phóng viên Eddie Adams của hãng tin AP lang thang trên đường phố Sài Gòn để chụp ảnh. Adams thấy Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, đang đứng cạnh tù binh quân Giải phóng Nguyễn Văn Lém. Phóng viên ảnh nghĩ tướng Loan đang xem vụ thẩm vấn một tù nhân đang bị trói tay. Nhưng khi nhìn qua kính ngắm, ông thấy tướng Loan lạnh lùng giơ khẩu súng lục ổ quay ngang đầu tù binh rồi bóp cò. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân kéo dài sang tháng 3/1968. Dù các lực lượng Mỹ phản công, đẩy lùi quân Giải phóng, nhưng tin tức báo chí về tình trạng vô chính phủ ở miền Nam Việt Nam khiến người Mỹ tin rằng, không thể thắng được cuộc chiến.

Khoảnh khắc tù binh Lém bị bắn chết là một biểu tượng của sự tàn bạo và việc bức ảnh được xuất bản rộng rãi đã giúp gia tăng nhận thức của người Mỹ về sự vô nghĩa, phi nghĩa của cuộc chiến. Quan trọng hơn, bức ảnh “Hành hình ở Sài Gòn” của Adams đưa ảnh báo chí về chiến tranh lên một cấp độ mới. Ông giành được giải Pulitzer cho bức ảnh này. Ba thập kỷ sau, ông bình luận: “Ảnh tĩnh là vũ khí mạnh nhất trên thế giới”.

Đứa trẻ chết đói và kền kền

Năm bức ảnh rung chuyển thế giới ảnh 3

"Đứa trẻ chết đói và kền kền"

Kevin Carter là thành viên của Câu lạc bộ Bang-Bang - bộ tứ nhiếp ảnh gia dũng cảm đã dùng ống kính ghi lại một phần lịch sử Nam Phi thời kỳ apartheid (phân biệt chủng tộc). Năm 1993, nhiếp ảnh gia người Nam Phi bay tới Sudan để chụp ảnh nạn đói đang tàn phá quốc gia châu Phi này. Kiệt sức sau một ngày chụp ảnh tại ngôi làng Ayod, ông đi về phía bụi cây để tìm bóng mát, nghỉ ngơi. Tại đó, ông nghe thấy tiếng thút thít và tình cờ gặp một đứa trẻ tầm mới biết đi gục xuống trên đường đến một trung tâm phát chẩn. Đứa trẻ hốc hác chỉ còn da bọc xương. Khi ông chụp ảnh đứa bé, một con kền kền béo múp đậu xuống gần đó. Sau này, một số cơ quan báo chí đưa tin, Carter từng được khuyên không chạm vào các nạn nhân chết đói để đề phòng nhiễm bệnh, nên thay vì giúp đỡ đứa trẻ, ông chờ 20 phút với hy vọng kền kền chờ mồi sẽ dang cánh. Nhưng kền kền không nhúc nhích, kiên nhẫn chờ con mồi của nó tắt thở để rỉa xác. Carter đuổi con chim đi và dõi theo đứa trẻ tiếp tục đi tới nơi phát chẩn. Sau đó, ông châm điếu thuốc, trò chuyện với Chúa và khóc.

Báo Mỹ The New York Times đăng bức ảnh “Đứa trẻ chết đói và kền kền” và độc giả tò mò muốn biết chuyện gì đã xảy ra với đứa bé. Nhiều người chỉ trích Carter đã không giúp đỡ em bé. Bức ảnh ông chụp nhanh chóng trở thành một ca nghiên cứu điển hình trong cuộc tranh luận khi nào nhiếp ảnh gia nên can thiệp. Các cuộc nghiên cứu sau đó cho thấy đứa trẻ đã sống sót, nhưng 14 năm sau đó tử vong vì sốt rét. Carter được trao giải Pulitzer cho bức ảnh “Đứa trẻ chết đói và kền kền”, nhưng bóng tối của ngày trời nắng năm đó không ngừng đeo bám ông. Tháng 7/1994, ông tự sát, để lại dòng chữ “Tôi bị ám ảnh bởi những ký ức sống động về các vụ giết người, những xác chết, sự giận dữ và nỗi đau”.

Alan Kurdi

Năm bức ảnh rung chuyển thế giới ảnh 4

"Alan Kurdi"

Ngày 2/9/2015, chiến tranh ở Syria kéo dài được hơn 4 năm thì bố mẹ Alan Kurdi đưa cậu bé 3 tuổi và anh trai 5 tuổi lên chiếc thuyền bơm hơi, khởi hành từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ để tới đảo Kos của Hy Lạp cách đó chưa đầy 4km. Chỉ vài phút sau, sóng làm lật chiếc thuyền cao su, người mẹ cùng hai con chết đuối. Vài giờ sau đó, trên bờ biển gần thành phố cảng Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, nữ phóng viên ảnh Nilufer Demir của hãng tin Dogan nhìn thấy Alan trong tình trạng mặt úp nghiêng xuống cát, mông nhô lên như thể cậu bé vừa mới ngủ. “Chẳng thể làm gì cho em bé nữa. Chẳng thể khiến em sống lại”, Demir nói. Vì thế, Demir giơ máy ảnh lên. “Tôi nghĩ đây là cách duy nhất mà tôi có thể diễn đạt tiếng kêu của cơ thể im lặng của em ấy”.

Trong vài giờ, bức ảnh của Demir được chia sẻ khắp các mạng xã hội, nhiều hãng tin buộc phải đăng ảnh. Chính phủ nhiều nước châu Âu đột nhiên buộc phải mở cửa biên giới trước đó đóng chặt trước mặt người di cư.

MỚI - NÓNG